Bấy lâu nay, chúng ta đều biết nếu con người sống một cuộc sống quá tĩnh lặng, ít hoạt động và xê dịch thì sẽ trở nên ù lì, béo phị và có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh. Giờ đây, lại có thêm một nghiên cứu chỉ ra lý do vì sao chúng ta cần phải tập thể dục, hoạt động thể chất thường xuyên và năng tham gia các hoạt động ngoài trời: Muốn trẻ lâu thì hãy ít ngồi lì.
Các nhà nghiên cứu của trường Cao đẳng Hoàng gia London đã phát hiện ra rằng những người nào tích cực hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi trông trẻ hơn những người cùng tuổi họ rất nhiều. Đó là vì những đoạn telomere chịu trách nhiệm kiểm soát sự lão hóa của tế bào trong cấu trúc ADN của những người ít hoạt động ngắn hơn của những người ưa “bay nhảy”. Vì vậy, nó thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 2.401 cặp song sinh da trắng điền vào một bảng câu hỏi khảo sát về mức độ luyện tập thể chất của họ và tiến hành lấy mẫu máu của những người này để so sánh cấu trúc ADN.
Telomere là chuỗi lặp lại của ADN nằm cuối các chromosome. Nó có trách nhiệm bảo vệ chromosome khỏi tình trạng thương tổn. Trung bình mỗi năm, các telomere sẽ mất 21 nucleotide, thành phần cấu tạo nên telomere. Vì vậy, khi tuổi con người càng cao, các telomere sẽ càng ngắn lại, khiến cho tế bào dễ bị nhiễm bệnh và chết.
Ở những người ít hoạt động thể chất, tốc độ tiêu hủy nucleotide của các telomere càng diễn ra nhanh hơn. Cụ thể, người ít tập thể dục nhất (khoảng 16 phút/tuần) có telomere ngắn gấp 200 lần so với người tập nhiều nhất (199 phút/tuần). Trung bình, người hoạt động thể chất nhiều nhất trông trẻ hơn người ít hoạt động tới 10 tuổi dù họ sinh cùng năm. So sánh giữa những cặp song sinh cũng cho ra kết quả tương tự.
Stress cũng tác động tiêu cực đến độ dài của telomere. Những người thường xuyên hoạt động chân tay ít gặp stress hơn những người chỉ thích ngồi một chỗ.
Nghiên cứu trên đã mở ra một hướng điều trị đơn giản mà hiệu quả trong việc chống lại tuổi già đến sớm: Năng tập thể dục và hoạt động chân tay.
|