Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, tuy chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có những bước tiến đáng kể. Trong xu thế hội nhập hiện nay, Bình Định cũng nằm trong vòng quay chung ấy, song bước đi còn chậm.
|
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc quảng cáo qua mạng. Ảnh: M.H
|
* Thực trạng TMĐT ở Bình Định
Khái niệm TMĐT và những thông tin liên quan đến nó còn khá mới mẻ ở tỉnh ta hiện nay. Nhiều doanh nghiệp (DN), công ty hay các cơ quan Nhà nước hiểu nôm na lý thuyết về TMĐT nhưng việc áp dụng như thế nào, quy trình nghiệp vụ và cách tổ chức ra sao lại là một vấn đề khá phức tạp.
Theo kết quả điều tra với 140 công ty, DN trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng website cho thấy: Đa phần những website này chỉ dừng ở mức độ giới thiệu công ty và sản phẩm dịch vụ (93,28%); khoảng trên 60% trong số này đã tiến thêm một bước là có cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm và cho phép liên hệ đặt hàng. Tuy nhiên số website cho phép thanh toán trực tuyến (bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản) chỉ chiếm xấp xỉ 10%, phần lớn trong số này là các website dịch vụ (quảng cáo rao vặt, du lịch, ngân hàng, tin học, viễn thông…).
Đa số DN khi xây dựng website đã có ý thức quảng bá trang web của mình bằng nhiều hình thức: 72,83% đơn vị được hỏi cho biết có đăng ký địa chỉ trang web với một công cụ tìm kiếm trực tuyến. Trên 65% DN có quảng cáo website qua các phương tiện thông tin đại chúng và trao đổi link với những trang web khác, tuy nhiên vẫn còn khoảng đến 35% DN vẫn chưa áp dụng biện pháp nào để quảng bá website.
Nếu dạo một vòng quanh các trang web có tiếng về công nghệ quảng bá TMĐT hiện nay trong phạm vi toàn tỉnh thì có thể thấy phần lớn đều dừng ở mức cung cấp những thông tin giới thiệu cơ bản nhất, chưa thể được coi là những trang web TMĐT cho phép có sự tương tác giữa DN với khách hàng để tiến hành một số khâu trong quá trình giao dịch. Một số trang chứa tin rao vặt chưa được kiểm duyệt nội dung đã vội đăng lên, trong khi đó số lượt xem tin thì nhiều nhưng thực hiện các giao dịch cơ bản lại gần như không có, dẫn đến cách hiệu quả và an toàn nhất để mua hàng là liên lạc theo thư điện tử, gọi điện thoại hay tới trực tiếp địa chỉ đã giới thiệu trên bản tin.
* Giải pháp nào cho TMĐT Bình Định?
Theo nhận xét của bà Huỳnh Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Vi tính Quy Nhơn (Quy Nhon Computer): “Sở dĩ TMĐT chưa phát triển ở Bình Định là do người dân chưa quen với giao dịch trong môi trường ảo, cách mua hàng truyền thống vẫn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người. Bên cạnh đó, phương thức mua hàng trực tuyến cũng chưa thật sự hấp dẫn do giá hàng trên website thường cao hơn bên ngoài và cơ chế định giá cũng chưa linh hoạt”.
Ở một góc độ khác, đó là việc thông quan - thanh toán điện tử vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện do một số vấn đề về pháp lý chưa được giải quyết. Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT Bình Định rất khan hiếm, phần lớn cán bộ hoạt động trong lĩnh vực TMĐT chưa qua đào tạo bài bản từ trường lớp mà chỉ được tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng bên cạnh những trở ngại, TMĐT Bình Định vẫn có những tín hiệu lạc quan. Trong những năm qua, để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư phát triển TMĐT nói riêng cũng như CNTT nói chung, UBND tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng và chuyển giao miễn phí nhiều trang web cho các DN, xây dựng hệ thống phần mềm quản trị dùng chung. Gần đây, với việc một số DN phần mềm ra đời, các lớp tập huấn về chính phủ điện tử, TMĐT được mở ra... là những bước đi đáng khích lệ.
Theo kết quả khảo sát ban đầu, các DN vừa và nhỏ là những đối tượng cần được hỗ trợ để triển khai ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả nhất. Vì vậy việc xác định những chính sách, giải pháp, điều kiện cần thiết, tìm ra những mô hình thích hợp cho việc phát triển TMĐT ở tỉnh ta đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hơn nữa, việc nâng cao nhận thức của xã hội, khuyến khích ứng dụng và tăng cường hợp tác giữa Nhà nước và DN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội.
Mặt khác, các cấp có thẩm quyền cũng cần hỗ trợ các DN xây dựng và phát triển công nghệ về đảm bảo an toàn thông tin. Bên cạnh công nghệ, các DN cũng cần đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả đầu tư cho TMĐT, chú trọng đầu tư cho giải pháp kinh doanh trên mạng. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng cần phát huy vai trò tiên phong của mình vào việc ứng dụng TMĐT trong mua sắm công.
|