Ngô Việt Nam chờ chuyển gen
15:38', 3/10/ 2008 (GMT+7)

Việt Nam trồng khoảng 1,1 triệu ha ngô, năng suất bình quân đến nay chưa đạt 4 tấn/ha/vụ, trong khi ở Mỹ - quốc gia đã chuyển gen thành công cho cây lương thực này, con số này là 9-11 tấn.

Theo TS. Paul S.Teng (Đại học Nanyang, Singapore) - một trong những người có nhiều kinh nghiệm về công nghệ sinh học trên thế giới, việc ứng dụng chuyển đổi gen thành công cho cây ngô đã giúp nông dân Mỹ đạt năng suất gấp 2-3 lần so với chúng ta.

 

Giống ngô lai NK54 gây thiệt hại cho nông dân.

 

Chập chờn giống ngô

Theo nhận định của Cục Dự trữ quốc gia, trong khi cây ngô ở Việt Nam cho năng suất thấp, sản lượng sau thu hoạch còn bị tổn thất thêm 10-13,7% do sâu mọt, thối mốc. Riêng tỉnh Sơn La, tổn thất này tương đương 23 ngàn tấn ngô hạt, tức là gần bằng với sản lượng ngô năm 1990.

Đặc biệt, một số giống ngô trong nước lâu lâu lại "trở chứng” không ra bắp, hoặc cho bắp nhưng không có hạt như trong 3 năm gần đây. Năm 2006 tại trà Vinh, giống ngô VN 25-99 của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam xảy ra tại Trà Vinh cho bắp không hạt. Năm 2007 ở An Giang, hiện tượng này xảy ra với giống ngô lai DK414 và C919 của Công ty Monsanto. Rồi giữa tháng 3 năm nay, giống ngô lai NK54 của Công ty Syngenta cũng lâm cảnh tương tự tại Đồng Nai và Sơn La.

Hiện tượng này đã không còn cá biệt, nên ngay cả ông Trần Quang Khuông, một chuyên gia về cây ngô ở Trạm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương cũng phải thốt lên: “Thỉnh thoảng chỗ này chỗ kia, tỉnh này tỉnh nọ có xảy ra hiện tượng bắp lai ít hạt, không hạt, nhưng trên quy mô diện tích cả gần 100ha thì chưa từng có, nhất là hiện tượng cờ ngắn tủn chỉ dài 2-5cm như có ai đó cầm kéo cắt ngang thì tôi chưa hề gặp, chưa hề nghe nói tới!”.

Đến nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng trồng ngô không có bắp hoặc có bắp nhưng không cho hạt là từ đâu, kỹ thuật canh tác không đúng hay tại chất lượng giống kém phẩm chất thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. Biết đâu các giống ngô nói trên được các nhà sản xuất nước ngoài “chuyển đổi gen” chưa tới, nên bị đột biến, khiến bắp ngô ra hình dị dạng và không cho hạt?

Hiện nay, sản lượng ngô Việt Nam hiện chỉ đứng mức khoảng 4 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng cho ngành chăn nuôi lên tới 5,5 triệu tấn. Vì vậy mỗi năm chúng ta phải mất khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu ngô, chủ yếu làm nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. 

Năm 2008, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thô cho sản xuất thức ăn của ngô và đậu tương lên tới kỷ lục 1,3 tỷ USD! Đây cũng là lý do khiến mặt bằng giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn khu vực từ 10-20% và dự báo nhu cầu này sẽ lên tới gần 19 triệu tấn vào năm 2010.

 

Hội thảo đầu bờ về cây ngô.

 

Ngô chuyển gen: Còn trong vòng nghiên cứu 

Do vậy, đã đến lúc đưa năng suất ngô “tiến lên” là một yêu cầu bức bách, trong đó đưa yếu tố chuyển gen vào cây ngô là biện pháp công nghệ sinh học hàng đầu. Bởi nói như TS Nguyễn Quốc Bình, PGĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cây ngô chuyển gen có “hàng trăm” thứ lợi, trước hết nông dân có lợi trong việc tăng năng suất do hạn chế được sâu đục thân 10%; tăng giá trị sau thu hoạch do sâu mọt 10-13%; tăng lợi nhuận do giảm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu.

Theo tính toán của TS Bình thì cái lợi từ ngô chuyển gen như "trong mơ", bởi: 1ha nông dân trồng ngô chuyển gen cho lợi hơn 100 USD/ha/vụ so với trồng ngô thường; với 1 triệu ha ngô, Việt Nam cầm chắc trong tay 100 triệu USD/năm (vụ)!

Biết vậy, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa trồng ngô chuyển gen, và không chỉ có ngô, 3 cây còn lại cho chăn nuôi gồm đậu tương, khoai mì, khoai tây cũng nằm trong đối tượng "chờ“ chuyển gen?! Trong khi công nghệ sinh học đang phát triển như vũ bão; diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới ngày càng tăng; năm 2007 đã là 114 triệu ha (tăng 12 triệu ha so với năm 2006).

Còn ở VN, tháng 8.2005, Chính phủ đã ban hành nghị định về an toàn sinh học, tức đã “bật đèn xanh” cho công cuộc đột phá về công nghệ sinh học từ “trong nhà ra ngoài đồng”. Nhưng đến nay, công tác này vẫn còn đang được mày mò nghiên cứu. Và cây trồng biến đổi gen vẫn chỉ là “giấc mơ”...

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tại sao lá cây có màu đỏ vào mùa thu  (03/10/2008)
Hàng ngàn website Việt có thể mất kiểm soát  (02/10/2008)
Học tiếng Anh trực tuyến  (02/10/2008)
10 lời khuyên khi uống nước  (02/10/2008)
Chưa phát hiện sữa Tam Lộc  (02/10/2008)
Bào chế Viagra từ dâm dương hoắc  (02/10/2008)
Nga giúp Thái Lan phóng vệ tinh thứ ba  (02/10/2008)
Cao to lúc mới đẻ chưa hẳn là tốt  (30/09/2008)
9 cách đơn giản cải thiện hệ miễn dịch  (30/09/2008)
Công nghệ cao: Có đi lên được từ… gia công, lắp ráp?  (29/09/2008)
10 lý do nên hạn chế ăn đồ ngọt  (29/09/2008)
Nhà du hành vũ trụ Trung Quốc ra khỏi khoang tàu, hoạt động ngoài không gian  (28/09/2008)
“Sát thủ” đáng sợ từ đáy Bắc Băng Dương  (28/09/2008)
Cáp quang quốc tế đứt vì bão số 6, truy cập Internet chập chờn  (26/09/2008)
Nuôi trẻ bằng sữa bột không tốt bằng sữa mẹ  (25/09/2008)