|
Sông Thị Vải đang “chết”. |
Ở TP.HCM vừa "lộ diện" một loại “rác” mới ít người biết đến, là nguồn dầu máy biến thế của ngành điện lực và nhà máy nước, có thành phần cực kỳ độc hại cho môi trường, đang lưu giữ thậm chí trong các thùng phuy chứa dầu đã mục, thủng.
Tại Hội thảo khoa học “Chiến lược xử lý ô nhiễm chi phí thấp kinh nghiệm từ Cộng hoà Liên bang Đức” tổ chức tại TP.HCM vào ngày 8.10, báo cáo của các nhà khoa học trong nước cho thấy bức tranh ô nhiễm trầm trọng ở TP.HCM.
Theo các báo cáo này, đã "lộ diện" một loại “rác” mới ít người biết đến, là nguồn dầu biến thế của Điện lực TP.HCM và các nhà máy nước. Thống kê của Phòng Quản lý chất rắn (Sở TN-MT TP.HCM) cho biết, tại Nhà máy nước Thủ Đức hiện đang lưu giữ 27 tấn dầu máy biến thế, trong đó có 3 tấn có chứa PCBs (Polychlorinated biphenyls) và 24 tấn bị nhiễm dầu có chứa PCBs. Nguy hại nhất khi các thùng phuy chứa dầu này đang bị mục nát và đã có hiện tượng dầu chảy rơi vãi ra bên ngoài “thấm” dần vào môi trường.
Số liệu từ các công ty điện lực thì cho thấy, mỗi máy biến thế có từ vài trăm kilogam đến 25 tấn dầu làm mát. Thế nhưng nhiều năm qua, chúng ta đã chưa quản lý được lượng dầu biến thế “rác” này và chắc chắn nó sẽ gây tác hại không nhỏ đến môi trường.
Một vấn đề khác là tình hình ô nhiễm của 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai đã đến mức báo động, chất lượng nước vào mùa khô ở nhiều đoạn các con sông này ngày càng gia tăng các chất độc hại có trong nước như COD, BOD5, SS... khiến nước đen bẩn, đóng váng, cặn lắng, mùi tanh hôi. Trong đó, sông Đồng Nai có đoạn đang “chết” dần như sông Thị Vải bởi trong nước có mặt của chì, SS, COD, DO và nhiễm mặn.
Thủ phạm chính ở đây, theo ThS Lê Đại Thắng (Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT), không ai khác, chính là các doanh nghiệp đã tống ra môi trường loại “nước thải công nghiệp” có nhiều chất ô nhiễm độc hại - dầu mỡ, phenol, vi khuẩn, SS, hóa chất, Coliform... nhưng hầu hết lại “chưa qua xử lý”.
Nếu tại sông Cầu có 2000 doanh nghiệp công nghiệp thì ở Đồng Nai có đến 9000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp “đồ sộ” như vậy nhưng lại chưa tìm ra doanh nghiệp “đổ” chất thải vào môi trường nhằm trốn phí bảo vệ môi trường giống như Công ty Vedan VN. Nguyên nhân chính là do con người làm công tác quản lý, kiểm soát môi trường lưu vực sông hiện nay quá mỏng. Trong tổng số 1.200 cán bộ quản lý môi trường ở VN thì chỉ có gần 150 quản lý môi trường lưu vực sông, tức bình quân chỉ có 1,8 cán bộ/1 triệu dân (!!!).
. Theo VNN |