Hơn nữa, khái niệm về rối loạn tâm thần- tình trạng ban đầu của bệnh tâm thần chưa được nhận thức đầy đủ.
Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10.10) Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình bệnh này ở Việt Nam và trên thế giới
Theo TS Jean-Marc Olivé Người bị rối loạn tâm thần là một trong số những người ít được quan tâm nhất trên thế giới. Tại nhiều cộng đồng, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách. Thậm chí ngay cả khi được công nhận là có bệnh, bệnh nhân tâm thần thường nhận được sự điều trị thiếu tính nhân đạo. Sự miệt thị đối với bệnh tâm thần có thể loại bỏ bằng cách làm cho cộng đồng nhận thức được rằng các rối loạn tâm thần có thể phòng chống được.
PV: Thưa ông, trên thế giới hiện nay có khoảng bao nhiêu người mắc chứng rối loạn tâm thần?
TS Jean-Marc Olivé: Có gần 54 triệu người trên thế giới mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thêm vào đó là 154 triệu người bị mắc trầm cảm. Các con số gần đây nhất chỉ ra rằng có gần 1 triệu người tự tử mỗi năm.
PV: Đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, thưa ông?
TS Jean-Marc Olivé: Các rối loạn tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do các điều kiện nghèo khổ kéo dài (thiếu điều kiện giáo dục, ăn ở, triển vọng công ăn, việc làm, công việc quá tải), các thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, xung đột chính trị và thiên tai.
Tuy nhiên, hơn 50% các nước đang phát triển không cung cấp bất cứ sự chăm sóc nào tại cộng đồng cho những người bị rối loạn tâm thần. Kết quả là hơn 75% người bị rối loạn trầm cảm tại các nước đang phát triển không được chữa trị thỏa đáng.
PV: Còn tại Việt Nam, chứng rối loạn tâm thần diễn biến như thế nào, thưa ông?
TS Jean-Marc Olivé: Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung của toàn cầu.
Kết quả điều tra quốc gia năm 1999-2000 cho thấy tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15%. Trong năm 2003 nghiên cứu "Những cuộc đời trẻ thơ" cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh tiểu học là 20% và tỷ lệ ở bà mẹ đang cho con bú (6-18 tháng) cũng là 20%.
Gần đây một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần khoảng 20-30%.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những hành động của Việt Nam nhằm đối phó với căn bệnh này?
TS Jean-Marc Olivé: Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia (chương trình ưu tiên hàng đầu) về sức khỏe tâm thần được hình thành năm 1999. Chương trình đã tập trung vào xây dựng"mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng". Cho đến nay mô hình đã bao phủ trên toàn 64 tỉnh thành với gần 40% xã/phường của Việt Nam. Nhờ có mô hình này những người bị tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lý tại cộng đồng và sự miệt thị đã được giảm bớt. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm đau khổ và vất vả cho cả bệnh nhân và gia đình họ.
PV: Có điều gì khiến ông còn băn khoăn trong mô hình này không?
TS Jean-Marc Olivé: Các bệnh tâm thần khác – đặc biệt là trầm cảm – chưa được quản lý trong mô hình. Điều này có nghĩa là những người mắc những bệnh này không nhận được sự chăm sóc và điều trị đầy đủ tại cộng đồng thậm chí tại các cơ sở y tế. Hơn nữa, khái niệm về rối loạn tâm thần – tình trạng ban đầu của bệnh tâm thần chưa được nhận thức đầy đủ.
Hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã được cải thiện từ khi có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như mạng lưới chưa hoàn thiện, thiếu nhân lực, thuốc men và trang thiết bị. Chi phí để điều trị các rối loạn tâm thần cũng khá cao do bản chất kinh niên của bệnh.
PV: Theo ông, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, chúng ta phải làm gì?
TS Jean-Marc Olivé: Thay vì điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần lớn, WHO khuyến khích tất cả các quốc gia lồng ghép sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện đa khoa và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.
Đồng thời, các chính sách sức khỏe tâm thần quốc gia không nên chỉ đơn thuần quan tâm tới các rối loạn sức khỏe tâm thần mà nên phát hiện và khắc phục các vấn đề rộng hơn để tăng cường sức khỏe tâm thần. Những vấn đề này bao gồm các yếu tố kinh tế xã hội và môi trường như đã nói ở trên, cũng như là các hành vi của cá nhân. Yêu cầu này đòi hỏi lồng ghép nâng cao sức khỏe tâm thần vào các chính sách và chương trình của các ban, ngành của nhà nước và tư nhân, bao gồm giáo dục, lao động, tư pháp, giao thông, môi trường, nhà ở và phúc lợi, cũng như ngành y tế.
PV: Vậy trong những năm qua, Tổ chức Y tế Thế giới có những trợ giúp gì cho Việt Nam?
TS Jean-Marc Olivé: Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã và đang hỗ trợ chương trình sức khỏe tâm thần ở Việt Nam trong nhiều năm. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WHO tập trung vào việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, cải thiện mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và thực hiện giải pháp lồng ghép phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs) bao gồm các rối loạn tâm thần.
WHO đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng các hướng dẫn lâm sàng quốc gia và tổ chức tập huấn cho một số lượng lớn các cán bộ y tế để nâng cao kiến thức và thực hành về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
WHO cũng hỗ trợ đánh giá mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Những kết quả này sẽ giúp cho việc sửa đổi mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần đáp ứng với các khuyến nghị của WHO. Điều này có nghĩa là các rối loạn tâm thần khác ngoài bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh sẽ được đưa vào mô hình và các hoạt động can thiệp khác như tuyên truyền giáo dục sức khỏe và phát hiện sớm sẽ được nâng cao.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của thông điệp cho Ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay là gì, thưa ông?
TS Jean-Marc Olivé: Trên toàn thế giới, sức khoẻ tâm thần thường gắn liền với những kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề. Nhưng sức khoẻ tâm thần và bệnh tâm thần là một phần của mỗi quốc gia, mỗi nền văn hoá, độ tuổi và điều kiện kinh tế xã hội. Thông điệp cho Ngày Sức khoẻ tâm thần năm nay là "Hãy làm cho Sức khoẻ tâm thần là một ưu tiên toàn cầu: Tăng cường các dịch vụ thông qua hành động và sự ủng hộ tích cực của từng cá nhân".
Chủ đề này xuất phát từ quan điểm cho rằng cách tốt nhất để tạo ra sự thay đổi là thông qua hành động và sự ủng hộ cụ thể của từng cộng đồng trên thế giới và mỗi người trong chúng ta có quyền và có khả năng tạo ra một thế giới khác cho điều trị, chăm sóc và năng cao sức khoẻ tâm thần.
PV: Xin cảm ơn ông.
. Theo VOV News
|