|
Con người sử dụng các tế bào nhận mùi để thưởng thức hương hoa |
Các nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ MIT (Mỹ) cho biết đã sản xuất thành công hàng loạt tế bào nhận mùi trong phòng thí nghiệm và đang tiến rất gần công nghệ tạo ra “mũi nhân tạo”.
"Mũi nhân tạo" có thể thay thế chó nghiệp vụ đánh hơi ma tuý, chất nổ cũng như ứng dụng trong nhiều thiết bị y khoa, chẳng hạn giúp phát hiện các căn bệnh như ung thư phổi, bàng quang, da... Những căn bệnh này luôn tạo ra những mùi đặc trưng ở giai đoạn đầu, thông qua thiết bị có "mũi nhân tạo", các bác sĩ có thể sớm chẩn đoán được bệnh.
Hệ thống khứu giác của con người khá lớn, bao gồm gần 400 gen chức năng. Ở chó và chuột, khứu giác chúng nhạy gấp nhiều lần con người do có khoảng 1.000 gen chức năng. Nhờ các tế bào nhận mùi khác nhau, con người và động vật có thể nhận biết đến 10.000 mùi.
Theo các nhà nghiên cứu, với khả năng sản xuất hàng loạt vật liệu thô để tạo tế bào nhận mùi, "mũi nhân tạo" sẽ sớm được ứng dụng vào thực tế. Hiện nhóm nghiên cứu đang lập kế hoạch làm việc với các nhà khoa học trên thế giới để phát triển thiết bị siêu nhỏ giúp xác định các mùi đặc biệt, trong đó có mùi của các bệnh như tiểu đường, phổi, ung thư da...
. Theo TTO/AFP
|