|
Lắp đặt bộ đun nước nóng bằng NLMT |
Trước kia, sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày bị xem là chuyện viển vông ở Đà Lạt bởi mỗi năm có tới 6 tháng mưa. Thế nhưng, ngày nay điều tưởng chừng không thể ấy đang diễn ra tại xứ lạnh.
Cơ quan quản lý Môi trường & Năng lượng Pháp (ADEME) đã phối hợp điều tra, chiết tính: Do khí hậu mát lạnh quanh năm nên du khách và người dân Đà Lạt sử dụng lượng nước nóng rất lớn để ăn uống, tắm giặt và lượng điện hạ thế để sản xuất nước nóng chiếm hơn 50% tổng số điện năng tiêu thụ trong các khách sạn, hộ gia đình.
Đà Lạt có tới gần 800 nhà nghỉ, khách sạn, chiếm khoảng 10% cơ sở lưu trú của cả nước nên lượng điện dùng để đun nước nóng rất lớn gây “sức ép” đối với ngành điện bởi điện năng ngày càng khan hiếm.
Cường độ bức xạ mặt trời ở Đà Lạt cũng khá dồi dào
Qua thu thập, điều tra các số liệu về khí tượng thuỷ văn, Tiến sĩ Nguyễn Thế Bảo cùng các cộng sự ở Đại học Yersin cho rằng mặc dù khí hậu dịu mát quanh năm nhưng Đà Lạt không phải là nơi có nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất nước (ngay cả các tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình vẫn trên 15oC); nhiệt độ rất ổn định qua các mùa; bức xạ mặt trời vào mùa khô khá tốt, cao hơn hẳn Hà Nội, thậm chí một số tháng còn tốt hơn Đà Nẵng.
Do đó, có thể ứng dụng công nghệ để sử dụng NLMT thay thế điện năng trong việc đun nước nóng sinh hoạt.
Đại học Yersin đã lập chương trình máy tính mô phỏng và thiết kế các hệ thống đun nước nóng bằng NLMT; lắp đặt thử nghiệm 6 bộ đun nước nóng NLMT với các chủng loại khác nhau cho hộ gia đình và các khách sạn; đo năng suất và hiệu suất nhằm rút ra loại thiết bị phù hợp; khảo sát kết cấu và cách lắp đặt bình chứa nước nóng sao cho nước nóng được lưu trữ lâu nhất và hiệu quả nhất ứng với điều kiện khí hậu Đà Lạt.
Kết quả, bộ đun nước nóng có bộ thu dạng ống thuỷ tinh hút chân không có nhiều ưu điểm vượt trội: Sản xuất nước nóng có nhiệt độ cao nhất và nước được giữ ấm lâu hơn.
Bình nước nóng NLMT xuất hiện ngày càng nhiều ở xứ lạnh
Giá mỗi bộ đun nước nóng dùng NLMT từ 5 – 8 triệu đồng trong khi độ bền từ 15 – 20 năm và chỉ sau vài năm sẽ hoàn vốn nhờ giảm chi phí tiền điện.
Khách sạn Hùng Phong (14H Hà Huy Tập, qui mô 40 phòng) đã tiên phong lắp đặt 12 bộ đun nước nóng với chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng, qui mô công suất trung bình 1.000lít/ngày và đã tiết kiệm gần 50% chi phí tiền điện mỗi tháng. Khách sạn đã cho cải tiến, lắp thêm máy hỗ trợ điện vào bộ đun nước nóng để kích điện vào buổi tối nhằm giữ cho nước nóng đến sáng hôm sau.
Khách sạn Tường Vân (4 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 50 phòng) đầu tư 8 bộ đun nước nóng, dẫn nước nóng trực tiếp từ bộ đun xuống các bình nước nóng trong từng phòng để hạn chế tối đa tình trạng mất nhiệt.
Vào những ngày mưa gió dầm dề, khách sạn sử dụng điện năng “đốt” hỗ trợ trong vài giờ để nước đủ nóng. Chị Huỳnh Thị Xuân – chủ khách sạn phấn khởi: Chi phí chỉ bằng với việc đun nước nóng bằng củi hoặc than đá mà lại tiện lợi, an toàn và sạch sẽ hơn nhiều. Trước kia, mỗi tháng phải trả từ 12 – 18 triệu đồng tiền điện, nay chỉ còn một nửa.
Việc sử dụng NLMT để sản xuất nước nóng không còn xa lạ với người dân Đà Lạt – Lâm Đồng với hàng ngàn hộ sử dụng. Tại khu qui hoạch dân cư mới trên đường Mạc Đỉnh Chi – Đà Lạt, hầu như nhà nào cũng lắp đặt máy đun nước nóng bằng NLMT. Cô Huệ (Nhà 4E) cho biết với bộ đun nước nóng trị giá 5 triệu đồng này, cả gia đình (10 người) có nước nóng để nấu nướng, tắm giặt cả ngày lẫn đêm.
Ông Nguyễn Tri Diện – Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng nhận định việc đánh thức tiềm năng NLMT đã mở ra hướng mới để tiết kiệm điện. Sở đang lập dự án mở rộng qui mô sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng NLMT.
Theo đó, bên cạnh việc nhập một số thiết bị cần thiết, Sở giao cho Cty Cổ phần Cơ khí Lâm Đồng mở cơ sở sản xuất thiết bị ngay tại địa phương và đảm trách việc lắp đặt, bảo trì các dàn máy để vừa hạ giá thành sản phẩm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng.
. Theo TPO |