|
Thiết bị giao diện máy-não chuyển tín hiệu thần kinh của vỏ não thành xung động điện rồi kích hoạt cơ liên kết (đường màu xám). Đường truyền tín hiệu thần kinh tự nhiên bị gián đoạn (màu vàng) tại điểm có đánh dấu x |
Các nhà khoa học đã tìm ra cách khai thác các tín hiệu thần kinh của não bộ và điều khiển lại những tín hiệu này để làm cho chân tay bị liệt cử động được.
Kỹ thuật này tạo một đường dẫn truyền xung động thần kinh vòng qua những chỗ bị tổn thương vốn là nguyên nhân gây ra gián đoạn đường truyền tín hiệu thần kinh từ não đến cơ. Từ đây, những bệnh nhân bị tổn thương cột sống có thể hi vọng một ngày nào đó cử động được chân tay của mình.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của trường đại học Washington (Mỹ) mới chỉ thử nghiệm phương pháp mới trên khỉ.
Qua báo cáo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature số ra ngày 15.10, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ phát triển được thiết bị dây thần kinh nhân tạo cấy ghép dùng cho con người mà không cần đến chân tay robot.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy người bị liệt tứ chi vẫn có khả năng kiểm soát được hoạt động của các tế bào thần kinh ở vỏ não có chức năng điều khiển cử động của chân tay dù họ bị liệt đã nhiều năm.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Chet Moritz đứng đầu đã sử dụng một thiết bị gọi là giao diện máy-não để tái tạo đường truyền tín hiệu thần kinh từ vỏ não của những con khỉ bị làm cho tê liệt tạm thời đến thẳng cơ tay của chúng.
Thiết bị có kích cỡ bằng một chiếc điện thoại di động này giải mã tín hiệu của não, chuyển chúng thành xung động điện rồi sau đó kích thích cơ liên kết.
Những con khỉ thí nghiệm đã co được cơ ở tay bị liệt. Đây là bước đầu tiên để tiến tới những cử động có định hướng phức tạp hơn như bưng một cái ly hay nhấn một cái nút.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ cần phải làm nhiều thí nghiệm trên người. Điều này có nghĩa là phải mất hàng chục năm nữa họ mới biến được kỹ thuật này thành phương pháp điều trị đáng tin cậy ở người.
Hơn nữa, giao diện máy-não mới chỉ là đường truyền tín hiệu thần kinh một chiều từ não đến cơ tay chân. Cần phải tìm ra cách truyền dẫn tín hiệu 2 chiều có cảm ứng.
|