|
Trồng thử nghiệm một số loại cây trong túi bầu tự hủy. Ảnh: Hữu Hà |
Vừa qua, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh đã tổ chức nghiệm thu và thông qua đề tài khoa học: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất túi bầu cây và tấm phủ hữu cơ có khả năng tự phân hủy, phục vụ phát triển cây trồng bền vững tại Bình Định”. Đề tài do Trung tâm Khoa học - Công nghệ phát triển đô thị và nông thôn (Hà Nội) chủ trì thực hiện và PGS.TS Nguyễn Đình Mạnh làm chủ nhiệm. Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát về tình hình nguyên liệu là các phế phẩm nông nghiệp, từ đó đã xác định được những loại nguyên liệu có thể dùng để sản xuất bầu cây và tấm phủ hữu cơ là thân lá cây bắp, bã mía, rơm rạ, xơ dừa… tại Bình Định.
Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành hoàn thiện quy trình sản xuất đối với túi bầu cây và tấm phủ hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên tại tỉnh ta, như xác định loại nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn phù hợp giữa các loại nguyên liệu, tỷ lệ các chất phụ gia, nhiệt độ và thời gian sấy, hình dáng và kích thước khuôn mẫu phù hợp... Trong khuôn khổ đề tài, cơ quan chủ trì đã sản xuất thử nghiệm khoảng 1.800 bầu cây và 1.200 tấm phủ hữu cơ, đồng thời tiến hành khảo nghiệm với một số giống cây trồng tại Trung tâm Giống cây trồng Bình Định và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định như: xoan ta, sao đen, đu đủ, xoài, mía, bạch đàn, chuối, hoa cúc; các tấm phủ hữu cơ thử nghiệm trên các loại cây như: rau mồng tơi, dưa leo, keo lai, xoài...
Quá trình theo dõi cho thấy, một số cây được áp dụng tấm phủ phát triển tốt hơn, cho quả to hơn, nhiều hơn so với cây không dùng tấm phủ hữu cơ. Đồng thời, nhóm thực hiện đề tài đã xác định được yêu cầu về độ bền của túi bầu cây đối với từng loại cây (từ 6 tháng đến 1 năm). Các loại cây ươm trong túi bầu này phát triển khá tốt, bầu cây có thể giữ được ẩm và có thể bổ sung một lượng mùn sau khi phân hủy.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét đây là một đề tài có ý nghĩa về xã hội, đặc biệt là giải quyết vấn đề về môi trường (từ trước đến nay sử dụng túi bầu cây bằng nilon rất khó phân hủy) nhờ vào việc sử dụng các phế phẩm nông nghiệp và khả năng phân hủy của bầu cây và tấm phủ này. Với công nghệ đã được hoàn thiện, tỉnh ta có thể tự sản xuất được các túi bầu cây và tấm phủ hữu cơ có khả năng tự phân hủy, giảm thiểu được nguy cơ suy thoái đất, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, về vấn đề giá thành sản xuất và thời gian phân hủy của bầu cây tương ứng với từng loại cây cần có những nghiên cứu bổ sung để sản phẩm này có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hơn.
Có thể thấy rằng, do nhu cầu sản xuất giống cây quy mô lớn và sản xuất rau, hoa, cây cảnh… ngày càng nhiều, nên vấn đề tìm ra một loại vật liệu có thời gian phân hủy nhanh và có lợi cho cây trồng và môi trường trở nên cần thiết. Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, người ta thường dùng bầu cây bằng chất liệu polymer, sau khi cây giống trồng xong, túi đựng bầu cây giống này không phân hủy ngay, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây. Một số nơi sử dụng tấm phủ polymer chống bụi cát, chống xói mòn đất và giữ ẩm. Tuy nhiên, hậu quả mang lại sau cùng là gây ô nhiễm môi trường đất.
Mặc dù còn phải bổ sung và hoàn thiện thêm, nhưng kết quả của đề tài này đã mở ra một hướng mới giúp người dân trong tỉnh có thể tự sản xuất được các túi bầu cây và tấm phủ hữu cơ có khả năng tự phân hủy, giảm thiểu được nguy cơ suy thoái đất, ô nhiễm môi trường do sử dụng túi bằng chất liệu polymer, đồng thời tận dụng được các nguồn phế thải từ sản phẩm nông nghiệp.
|