Sốt xuất huyết lan rộng
15:47', 24/10/ 2008 (GMT+7)
Các cháu bé bị sốt xuất huyết phải nằm chen chúc tại phòng cấp cứu khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Tính đến 25.9, cả nước có hơn 51.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 52 ca tử vong. Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay có hơn 10.000 ca mắc SXH, năm ca tử vong. Ghi nhận ở một số bệnh viện (BV) cho thấy nhiều khoa phòng BV tràn ngập bệnh nhân (BN) SXH!

Theo TS.BS Nguyễn Trần Chính - giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong tháng 9.2008 BV tiếp nhận điều trị 1.532 ca SXH, trong đó có hơn 1.000 BN người lớn. So với cùng kỳ năm 2007, số nhập viện tăng xấp xỉ 300%. Trong 22 ngày của tháng mười, có thêm 1.164 ca mắc SXH nhập viện, trong khi đó cả tháng 10.2007 chỉ có 716 ca.

Hàng trăm ca nằm viện

Đêm 22.10, tại BV Bệnh nhiệt đới TP có hơn 100 BN SXH đang nằm điều trị nội trú. Tại khoa nhi A, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Kim Loan cho biết có 42 bệnh nhi bị SXH, 7-8 ca có thể chuyển sang sốc, phải theo dõi rất sát để xử trí kịp thời. Khoa có 38 giường bệnh, những lúc BN đông 2-3 người phải nằm chung một giường, hoặc nằm hành lang, dưới nền nhà. “Nhiều lúc bệnh đông, khoa cứ như trại tị nạn” - BS Kim Loan so sánh. Tại khoa nhiễm B, điều dưỡng Lê Mỹ Tiên nói lâu nay khoa này chuyên điều trị bệnh lý nhiễm trùng huyết nhưng do BN SXH nhiều nên phải cùng chia sẻ với những khoa khác. Phần lớn BN điều trị ở khoa đến từ Q.5, Q.8 (TP.HCM). Tại khoa nhiễm C có 34 ca SXH nằm viện, 13 ca mới nhập viện trong ngày 22.10.

Ngày 23.10, BS Trần Thị Thúy - phó khoa nhiễm, BV Nhi Đồng 2 - cho biết từ cuối tháng chín đến nay BV tiếp nhận 718 ca SXH, tăng 20% so với cùng kỳ 2007. 80% BN nhập viện là trẻ ở TP.HCM, chủ yếu đến từ các quận 2, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh. Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 30 BN mới, cao điểm có ngày lên đến 50-60 trẻ. Số trẻ SXH nằm điều trị nội trú mỗi ngày trung bình 100-130 em, trong đó 10-12% bị bệnh nặng.

Chiều 22.10, tại khoa SXH của BV Nhi Đồng 1 có hơn 110 ca nằm viện, trong đó 65 ca ở TP.HCM. Ở phòng cấp cứu của khoa SXH có 15 trẻ bệnh nặng đang phải truyền dịch. Hầu hết các giường cấp cứu đều có ba em nằm. Mẹ của bé Khương (13 tháng tuổi, P.Bình Trưng Tây, Q.2) bức xúc kể: “Con tôi sốt cao từ ngày 16-10. Bé sốt ba ngày, đi hai BV khám bệnh, thử máu nhưng không phát hiện bệnh. Có BS còn bảo rằng bé sốt siêu vi, cho về. Đến khi vào BV Nhi Đồng 1, BS nói con tôi bị SXH và đã có triệu chứng đặc máu, phải cấp cứu. Cháu phải truyền dịch liên tục đến chai thứ ba rồi”.

Nhiều bệnh nhân nặng

Tại khoa hồi sức cấp cứu trẻ em BV Bệnh nhiệt đới, BS Phan Tứ Quý cho biết trong vòng ba tuần của tháng mười, khoa tiếp nhận 50 ca sốc SXH nặng. Riêng chiều 22.10 có thêm hai bé vào cấp cứu, khi nhập viện cả hai đều đã rơi vào tình trạng sốc: mạch khó bắt, huyết áp tụt, tay chân lạnh, máu đã bắt đầu bị cô đặc…

Nhiều bệnh nhi bị SXH đã được các BS của BV Bệnh nhiệt đới cứu sống. Gần đây nhất có bé Nguyễn Thị Thu Thủy (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) khi vào cấp cứu đã suy hô hấp, mạch - huyết áp không đo được, tím tái, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, phải truyền 2,5 lít máu. Trong tháng chín, khoa hồi sức cấp cứu trẻ em điều trị 86 ca sốc SXH nặng, trong đó có ba ca rất nặng được cứu sống.

Tại khoa hồi sức cấp cứu người lớn của BV Bệnh nhiệt đới TP, một BN nhập viện khi đã bị suy hô hấp, xuất huyết, tụ máu dưới da rất nhiều. Sau đó bệnh ngày càng trở nặng: bị tràn dịch màng phổi, viêm phổi, hôn mê, suy gan, phải đặt nội khí quản cho thở máy. BN này đã được các BS cứu sống.

Theo các BS, đặc điểm của bệnh SXH hiện nay khác với trước đây. Số BN nặng nhiều hơn, diễn tiến bệnh phức tạp hơn, có BN sốt kéo dài đến 10 ngày, hoặc xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, hôn mê, suy hô hấp sớm (dù truyền dịch ít), có khi bị biến chứng tổn thương gan, thận, não… PGS.TS Lâm Thị Mỹ - phó khoa SXH BV Nhi Đồng 1 - cho biết những năm trước vào tháng mười thường ít có bệnh SXH, nhưng năm nay bệnh vẫn rất nhiều. TS Mỹ cũng cho biết gần đây xuất hiện trẻ nhỏ dưới ba tháng cũng bị SXH.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thức ăn tạo cảm giác no giả  (24/10/2008)
Nói chuyện giới tính với trẻ thế nào?  (24/10/2008)
Từ 15.11 thay dấu quy chuẩn mũ bảo hiểm “chất lượng”  (24/10/2008)
Rối loạn cương dương là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tim  (23/10/2008)
Ngộ nhận chết người khi dùng nhân sâm  (23/10/2008)
Làm thế nào để bảo vệ trẻ khi đi nhà trẻ  (23/10/2008)
Gừng gió điều trị xơ gan cổ trướng đơn thuần  (23/10/2008)
Sóng điện thoại di động không ảnh hưởng đến sức khỏe  (23/10/2008)
Giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đất, môi trường  (23/10/2008)
Mùa đông năm nay sẽ đến muộn hơn so với mọi năm  (22/10/2008)
Căn phòng dễ chịu nhất thế giới  (22/10/2008)
Khám phá thêm hai loài thằn lằn chân ngón  (22/10/2008)
Xóa nếp nhăn bằng ánh sáng LED   (21/10/2008)
Đã phát triển được cách xét nghiệm bệnh lao qua máu đáng tin cậy hơn qua da   (21/10/2008)
Nhìn thấy ánh sáng sau hơn 50 năm mù lòa  (20/10/2008)