|
Bác sĩ Cường phân tích về tính độc hại của 2 lọ thuốc Trung Quốc đối với bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: T. Phương |
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý nguy hiểm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng ngại là nhiều bệnh nhân muốn khỏi bệnh đã tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, kết quả tiền mất mà lại “rước họa” vào thân.
* Tưởng nhanh, hóa chậm
Bà Lưu Thị Đ., 52 tuổi, ở đường Trần Thị Kỷ, TP Quy Nhơn, mắc bệnh ĐTĐ đã được 3 năm nay. Sau một thời gian uống thuốc do bác sĩ kê đơn, bệnh bà Đ. vẫn không thuyên giảm. Nghe người quen mách nước, bà Đ. đến hiệu thuốc P.L mua hai lọ thuốc Trung Quốc với giá 10.000 đồng 2 lọ thuốc - lọ to màu trắng, lọ nhỏ màu xanh. Theo “lời khuyên” của người bán thuốc, uống mỗi lọ hai viên vào mỗi sáng, bà Đ. thấy sức khỏe tốt hơn, ăn ngon hơn, chỉ số đường huyết cũng hạ rất nhanh.
Thấy ổn, bà Đ. lại tiếp tục mách nước cho người hàng xóm là bà Vũ Thị T., 74 tuổi - cũng mắc bệnh ĐTĐ đã 9 năm nay- dùng thuốc nói trên. Bà T. kể lại: “Trước đây, tôi uống đủ các loại thuốc từ thuốc nam đến thuốc tây nhưng bệnh vẫn không khỏi. Từ ngày uống loại thuốc Trung Quốc, tôi thấy chỉ số đường huyết cũng không còn cao nữa”.
Tuy nhiên, từ khi uống loại thuốc nói trên, bà T. lại thấy chân, tay tê, mắt mờ. Hiện, bà T. đã ngừng sử dụng thuốc nhưng hai mắt vẫn còn mờ không nhìn thấy rõ, trong người nhức mỏi, đau hai đầu gối, ban đêm không ngủ được. Khảo sát đối với một số bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ được “mách nước” sử dụng thuốc Trung Quốc nói trên, chúng tôi cũng nhận được kết quả tương tự. Ban đầu chỉ số đường huyết hạ nhanh nhưng càng về sau hai mắt bệnh nhân lại mờ dần.
Quan sát 2 lọ thuốc này, chúng tôi chỉ thấy “rặt” chữ Trung Quốc mà không có lấy một dòng tiếng Việt, cũng không có một chút thông tin của hãng sản xuất. Hai lọ thuốc không đựng trong hộp giấy và cũng không có hướng dẫn sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK tỉnh, cho biết: “Lọ thuốc nhỏ có chứa hoạt chất glibenclamide giúp hạ đường huyết, hoạt chất này có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đây là thuốc nhập lậu nên không được kiểm định về chất lượng, sử dụng quá nhiều không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến quá liều, gây ngộ độc, tai biến hạ đường huyết, dẫn đến hôn mê. Còn lọ thuốc to chứa hoạt chất phenfotmine đã bị Tổ chức Y tế thế giới cấm sử dụng vì có thể gây tai biến chết người như suy gan, suy thận, suy tim, mờ mắt, tê chân tay, đau nhức dây thần kinh”.
* Phải có thời gian
Năm 2007, khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ĐTĐ bị hôn mê nặng, suy thận, suy tim. Sau đó, 1 bệnh nhân đã tử vong. Các bác sĩ nghi ngờ người bệnh đã dùng loại thuốc Trung Quốc nhập lậu nói trên.
Sở dĩ một số bệnh nhân dùng thuốc hơn 2 - 3 năm nhưng vẫn khỏe, ăn uống vẫn ngon, theo bác sĩ Cường là vì bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, có thể đáp ứng bước đầu với loại thuốc này. Mặt khác, nếu dùng loại thuốc đơn giản hay phức tạp thì ở giai đoạn đầu cơ thể sẽ hồi phục nên chưa thấy được sự độc hại của thuốc. Từ đó, người bệnh càng chủ quan cho rằng thuốc phát huy tác dụng, có hiệu quả, vẫn tiếp tục dùng thì hoạt chất độc hại sẽ tích lũy dần trong cơ thể đến khi bộc phát gây biến chứng suy tim, suy thận…
Trong điều trị bệnh ĐTĐ typ 2, việc theo dõi chỉ số đường huyết rất quan trọng. Nếu người bệnh thường xuyên đi xét nghiệm sẽ kiểm soát được lượng đường huyết ở giới hạn cho phép. Điều đáng nói, người bệnh thường nôn nóng, muốn chỉ số đường huyết nhanh chóng trở về mức bình thường nên tự ý sử dụng nhiều loại thuốc theo mách bảo. Thật ra, việc này chỉ làm được với thuốc insulin, nhưng insulin chỉ dùng điều trị ĐTĐ typ 1.
Bác sĩ Cường khuyến cáo, bệnh ĐTĐ typ 2 kháng các loại thuốc uống nên chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp chỉ số đường huyết của bệnh nhân chưa trở về giới hạn bình thường, bác sĩ sẽ tăng dần liều thuốc và mỗi lần tăng cách nhau ít nhất 2 tuần thì thuốc mới phát huy tác dụng. Do vậy, thời gian giảm nồng độ đường ở giới hạn cho phép, không thể nhanh như ý muốn của bệnh nhân, nếu không, nguy cơ gây hạ đường huyết càng cao.
|