Vừa qua, một nhóm thiết kế phần mềm ở tỉnh ta đã cho ra đời một phần mềm tính lương giúp DN nâng cao năng suất lao động, phát huy hiệu quả công suất máy móc, tiết kiệm nguyên liệu sản xuất…
|
Phần mềm tính lương khoán có thể giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. - Trong ảnh: Chế biến sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH Thành Danh - Cụm công nghiệp Bình Dương - Phù Mỹ. Ảnh: Ngọc Thái
|
Hiện tại, ở các DN sản xuất, đa số vẫn duy trì hình thức trả lương theo công nhật, ngày công hoặc khoán trên từng sản phẩm. Phương pháp này thuận lợi ở chỗ việc tổ chức thực hiện đơn giản; song nhược điểm là việc tính toán rất cảm tính, không đánh giá đúng thực chất hiệu quả công việc của từng công nhân. Đồng thời, DN cũng không kiểm soát được những lãng phí, thất thoát trong quá trình sản xuất. Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực chế biến gỗ, nhận thấy những bất cập này, ông Vũ Hoàng Thương - hiện là chuyên viên CNTT của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội - cùng một nhóm kỹ sư trẻ đã thiết kế và ứng dụng thành công phần mềm tính lương khắc phục được những bất cập nêu trên.
Chương trình tính lương khoán gồm 2 phần: xây dựng định mức lương khoán, đây là phần hết sức quan trọng của hệ thống, nó cung cấp thông tin về giá của từng công đoạn gia công sản phẩm để đưa vào phần mềm tính lương khoán. Thứ hai là phần mềm tính lương khoán thực hiện tính toán tiền lương của công nhân theo từng ngày, theo tổ… với nhiều tiêu chí khác nhau. Lương khoán sản phẩm là việc tính toán lương cho người lao động thực hiện sát đến từng công đoạn trên chi tiết của sản phẩm.
Khi áp dụng hình thức trả lương này, mỗi công nhân sẽ có 1 phiếu thực hiện công việc, các cán bộ quản đốc xưởng, tổ trưởng, tổ phó phân xưởng sẽ chấm công trực tiếp vào phiếu, sau đó sẽ nhập vào dữ liệu tính lương. Theo đó, ở từng công đoạn cụ thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ, người lao động cũng có thể kiểm tra lương, biết được chính xác sản phẩm mình đã thực hiện trong ngày. Đồng thời, với cách làm này chủ DN cũng có thể kiểm soát được tất cả các quy trình và biết chính xác việc hư hao, thất thoát nguyên liệu xảy ra ở khâu nào.
Theo ông Vũ Hoàng Thương: Khâu xây dựng định mức rất quan trọng để chương trình có thể cho ra kết quả chính xác. Cùng một lúc, nhà máy có nhiều đơn hàng, ta cũng có thể dễ dàng xác lập định mức cho các sản phẩm mới dựa trên một số bảng định mức đã xây dựng sẵn trong phần mềm với các sản phẩm tương đồng nhau về mặt chủng loại như bàn, ghế, đá, may mặc, giày da... Thời gian đầu áp dụng, có thể bộ phận quản lý cũng như công nhân còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau thời gian từ 1 đến 2 tháng sử dụng, nếu các bộ phận phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thì có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế trong hoạt động của DN, đồng thời phản ánh đúng năng lực của từng công nhân.
Với giải pháp này, DN sẽ đảm bảo nguyên tắc người nào làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không cào bằng; hiệu quả công việc của DN tăng theo, chất lượng sản phẩm được nâng cao, việc quản lý sản xuất sẽ hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu trong sản xuất. Hiện tại hệ thống đã áp dụng thành công ở một số DN như Công ty Chế biến lâm sản xuất khẩu Mỹ Nguyên, Công ty TNHH Đức Nhân, Công ty TNHH Phước Hưng, Công ty TNHH Bình Phú...
Ông Võ Văn Liêm - Phó Giám đốc Công ty Mỹ Nguyên (Khu Công nghiệp Phú Tài) - cho biết: “Từ khi áp dụng phần mềm này, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất; năng suất lao động tăng cao. Qua kinh nghiệm thực tế khi triển khai hệ thống phần mềm này, DN cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ khâu tổ chức triển khai phổ biến cách thức tính lương mới cho công nhân và cán bộ quản lý, xác định chính xác định mức cho sản phẩm để hệ thống vận hành đạt hiệu quả cao nhất”.
|