Các hoạt động hàng ngày như mang kính bơi, nằm úp mặt lúc ngủ, hay luyện tập thể thao với cường độ cao có thế góp phần làm tăng khả năng bị bệnh glaucom (tăng nhãn áp), nguyên nhân gây hỏng thần kinh thị giác và dẫn đến mù loà.
Theo ông Charles McMonnies, một giáo sư khoa thị lực của Trường đại học New South Wales (UNSW), áp lực chất lỏng bên trong mắt sẽ tăng trong khi chúng ta thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như dụi mắt, động tác tập yoga trồng cuối (đầu lộn ngược xuống đất), tập tạ, ngủ úp mặt, chơi các nhạc cụ như kèn trumpet.
Bất kỳ sự va chạm mắt thông qua mí mắt cũng làm tăng áp lực, va chạm nhỏ làm tăng áp lực ở mức độ nhẹ, nhưng va chạm mạnh sẽ làm tăng từ 3 đến 5 lần so với áp lực bình thường.
Rửa mắt bằng nước nhỏ mắt hay tháo đồ trang điểm mắt ra cũng gây tăng áp lực mắt, phần lớn nguyên nhân là do chúng liên quan đến sự đóng mở của mắt kết hợp với tiếp xúc mí mắt.
Trong trường hợp mắt bị cọ xát, sự kết hợp giữa việc đóng mở mắt và áp lực cọ xát mắt có thể làm tăng áp lực của mắt lên mức cao hơn, cọ xát mạnh có thể tăng áp lực ở mắt lên gấp 10 lần so với mức thông thường.
Bình thường những áp lực lên mắt không gây tác hại lớn ảnh hưởng đến mắt, nhưng khi áp lực trên mắt tăng với mức độ lớn và kéo dài, hoặc xảy ra thường xuyên có thể chuyển thành các bệnh nguy hiểm cho mắt có liên quan đến áp lực. Những căn bệnh này bao gồm bệnh glaucoma, phần lớn xảy ra ở người lớn tuổi và là nguyên nhân dẫn đến mù loà, hay bệnh myopia còn gọi là cận thị.
Theo ông McMonnies, để bảo vệ mắt, khi ngủ chúng ta không nên để mắt tiếp xúc trực tiếp với gối.
|