Việc làm từ những “xưởng” gia công tại gia
9:9', 8/11/ 2008 (GMT+7)

Gọi là “xưởng”, nhưng kỳ thực, đó chỉ là các hộ kinh doanh nhỏ. Chủ đồng thời là thợ, nhân công là con cháu trong nhà và những người hàng xóm. Nhưng nhờ những xưởng tại gia kiểu đó mà nhiều phụ nữ có việc làm, thêm thu nhập…

 

công ty Thiên Nga, công nhân may đa phần là nữ.

 

* Ở nơi xóm nhỏ...

Cơ sở sản xuất chả cá của bà Nguyễn Thị Xuân Hương (tổ 6, KV 2 phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) có quy mô khá khiêm tốn. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 50 kg chả cá để đem lên Gia Lai, đi TP. Hồ Chí Minh và bỏ cho các quán bún cá trong TP. Quy Nhơn. Buổi sáng, bà Hương đi mua cá rồi kêu mấy chị em hàng xóm phụ nạo cá, buổi chiều thì nhờ mấy cháu nhỏ rảnh việc trong ngõ vắt, dồi chả phụ với người nhà. Tiếng là “giúp”, “nhờ”, nhưng mỗi buổi làm, bà Hương đều trả công cho họ từ 20.000 đến 30.000 đồng. Ngần ấy tiền công, với các chị lớn tuổi, cũng là khoản phụ thêm vào tiền chợ búa hàng ngày. Còn với các cô gái như Diệu, mới 17 tuổi, thì “khỏi phải xin ba má tiền tiêu vặt, mà việc cũng nhẹ nhàng…”.

Cách đó không xa, ở tổ 52, KV 10, phường Hải Cảng, cũng có một cơ sở chế biến mực tẩm của chị Nguyễn Thị Anh đã tồn tại từ 5 năm nay. Ban đầu, chị chỉ thuê 1 - 2 người làm; sau số người làm tăng dần lên. Ở thời điểm chúng tôi có mặt tại cơ sở, có khoảng 10 phụ nữ đang làm các khâu lột mực, rim mực và xé sợi. Hầu hết họ là phụ nữ thuộc hộ nghèo trong xóm, không có việc ổn định. Như chị Nguyễn Thị Kim Đông- thuộc hộ nghèo của xóm, ngày thường vẫn ở nhà vá lưới; chỉ những hôm biển động mới đi lột mực thuê. Còn chị Nguyễn Thị Ninh, chồng chết, phải nuôi ba con đi học, đã làm việc ở đây được vài năm, nói: “Sáng tôi bán bún, chiều tối phụ bán quán nhậu, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều tôi rảnh, nên lại đây lột mực. Nhờ vậy mà mỗi ngày tôi kiếm thêm được 20.000 đồng. Cũng đỡ lắm, chứ ngồi không thì ai cho tiền. Nhờ vậy mà từ năm ngoái tôi đã thoát nghèo”. Chị Anh trả lương theo sản phẩm, trung bình mỗi tháng mỗi người được trả từ 700 đến 900 ngàn đồng, lại cho ứng trước nửa tháng. Chị cũng là tổ trưởng tổ tiết kiệm mùa xuân của khu vực, nên chị em vừa làm, vừa chơi “tiết kiệm”, ai thiếu lại mượn trước, rồi trả mỗi ngày vài ngàn cho đến khi hết nợ.

Tại phường Hải Cảng, có không ít những xưởng sản xuất gia đình nhỏ, chế biến mực khô, làm chả cá như của bà Hương, chị Anh. Chị Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Cảng, nhận xét: “Những cơ sở như vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ trong phường. Nhiều chị được vay vốn hộ nghèo hoặc vốn giải quyết việc làm để sản xuất. Họ không chỉ thoát nghèo mà còn tạo được việc làm cho những chị em trong vùng, như gia đình của bà Hương chẳng hạn”.

 

Những phụ nữ nghèo ở tổ 52, KV 10 , phường Hải Cảng kiếm thêm tiền nhờ đi lột mực thuê như thế này.

 

* Đến những xưởng may tại gia

Những năm gần đây, các xưởng may gia công hàng may xuất khẩu, quần áo học sinh, đồ bảo hộ lao động… mọc lên khá nhiều, không chỉ ở Quy Nhơn mà còn ở các huyện, đã góp phần giải quyết việc làm cho các lao động nữ. Bên cạnh những công ty may mặc có nhà xưởng, trụ sở khang trang, vẫn có những xưởng may gia công tại gia quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình.   

Như cơ sở may gia công ở đường Nguyễn Công Trứ (TP. Quy Nhơn) do Công ty TNHH Hoàng Phát (KCN Phú Tài) đầu tư để người trong nhà có việc làm, thêm thu nhập. Cơ sở nhận gia công các loại bao nệm, ghế, dù… Chị Nguyễn Thị Thọ Lộc, quản lý cơ sở may cho biết, lúc cao điểm  có đến gần 20 công nhân làm việc. Tuy nhiên, vì chỉ gia công riêng cho mỗi công ty, nên không có hàng thường xuyên. “Được cái, những công nhân này đều có nghề tay trái như buôn bán nhỏ, may hàng bỏ chợ nên không sợ bị thất nghiệp. Khi có hàng, tôi lại gọi điện thông báo cho họ đến may”- chị Lộc cho biết.

Công ty Cổ phần May Thiên Nga “tại gia” của chị Nguyễn Thị Phương Nga (số 201 Hoàng Văn Thụ, TP. Quy Nhơn) có quy mô bề thế hơn, với 40 công nhân; trong đó, có cả thợ cắt, kỹ thuật viên, nhân viên KCS và cả người học việc. Cách đây hơn một năm, chị Nga đã cùng bạn bè hùn vốn mở công ty, chuyên may gia công hàng xuất khẩu, đồng phục công sở, bảo hộ lao động với quy mô ban đầu chỉ bằng một nửa so với bây giờ.  Công ty “bao” cơm trưa tại chỗ;  nếu có tăng ca thì cũng được bao ăn. Chị Vinh, chị Hoa trước đều là công nhân may, do bận việc gia đình nên đành xin nghỉ. Năm ngoái, họ xin vào làm ở công ty này. Chị Hoa nhận xét: “Đã đi làm thì phải vất vả, nhưng ở đây có phần nào thoải mái hơn. Đôi khi, bận việc nhà hoặc gia đình, tôi có thể xin nghỉ một, hai bữa thì cũng được “du di”…”.

Trong thực tế, không ít cơ sở may trong tỉnh cũng đã và đang thực hiện mô hình “xưởng may tại gia” vừa nhận may gia công, vừa nhận đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương như cơ sở may Phượng Cường (Hoài Hương, Hoài Nhơn), cơ sở may Trinh (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn).

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mổ nội soi: Chi phí điều trị thấp   (07/11/2008)
Thuốc lá làm giảm khả năng thính giác   (07/11/2008)
Lạm dụng rượu bia có thể bị loãng xương   (07/11/2008)
Mùi cơ thể không thay đổi trong suốt cuộc đời   (07/11/2008)
Gió mùa đông bắc, mưa to từ Bắc vào Nam  (06/11/2008)
Nhân bản thành công chuột từ tế bào đông lạnh  (06/11/2008)
Vỏ cây thông làm thuốc giảm mệt mỏi  (06/11/2008)
Trẻ học hiệu quả nhất khi chúng được lắng nghe  (06/11/2008)
Cần sớm có kết luận về “xóm ung thư”  (06/11/2008)
Trẻ biết chơi nhạc phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy tốt hơn  (06/11/2008)
Tuy Phước có 3 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng  (06/11/2008)
Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét  (06/11/2008)
Chế tạo thành công hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động  (06/11/2008)
Tìm ra thuốc giúp giảm cân  (05/11/2008)
Số ca ung thư có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 do béo phì  (05/11/2008)