Các nhà khoa học vừa mới thông báo một tin vui cho những bệnh nhân nữ bị ung thư và những phụ nữ muốn sinh con trễ vì một lý do nào đó. Họ đã phát minh ra một kỹ thuật mới cho phép đông lạnh và cấy ghép buồng trứng, giúp bảo tồn khả năng sinh sản của những phụ nữ không may mắn.
Tiến sĩ Sherman Silber, giám đốc Trung tâm hiếm muộn vô sinh thánh Louis thuộc bệnh viện thánh Luke (Mỹ), một trong những đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi có thể cấy ghép buồng trứng mà không để mất bất kỳ một mô tế bào buồng trứng hay bất kỳ một trứng nào. Chức năng của trứng và buồng trứng vẫn hoạt động tốt như bình thường dù chúng còn “tươi” hay đông lạnh”.
Silber nói kỹ thuật này có thể áp dụng cho những phụ nữ muốn hoãn việc sinh con.
Công trình nghiên cứu trên đã được công bố tại hội nghị thường niên do Hiệp hội Sức khoẻ sinh sản Mỹ tổ chức tại San Francisco vào ngày 10.11.
Silber và các đồng nghiệp đã cấy ghép buồng trứng của một phụ nữ cho chị em song sinh cùng trứng của người này. Người được ghép từng bị vô sinh vì buồng trứng của người này lão suy sớm. 1 năm sau khi được ghép buồng trứng, người này đã mang thai được.
Kỹ thuật này giúp ích rất nhiều cho những nữ bệnh nhân bị ung thư phải xạ trị, hoá trị hay cấy ghép tuỷ xương. Tất cả những liệu pháp điều trị ung thư này khiến cho nữ bệnh nhân đứng trước nguy cơ bị vô sinh rất cao.
Hiện tại, nhiều phụ nữ đã đông lạnh trứng của mình với hi vọng được làm mẹ sau khi kết thúc chữa trị ung thư hoặc khi điều kiện sống của mình cho phép. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chỉ có 50%. Nếu không thể thụ thai bằng phương pháp này, coi như mọi việc kết thúc.
Với phương pháp đông lạnh và cấy ghép cả buồng trứng, phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường như khi mình còn trẻ. Phương pháp này có tỉ lệ thành công cao hơn đông lạnh trứng.
Tuy nhiên, Silber thú nhận việc cắt một buồng trứng, đông lạnh nó rồi lại ghép nó trở lại vào cơ thể người phụ nữ là một thách thức thực sự. Nhóm nghiên cứu đã phải thực hiện qui trình cắt, đông lạnh và hồi phục chức năng buồng trứng tới 9 lần mới đạt được kết quả mong muốn.
Một số chuyên gia trong ngành sức khoẻ sinh sản và tiết niệu đánh giá công trình nghiên cứu của Silber là đáng mừng nhưng chỉ mới là kết quả bước đầu.
|