Có người đồng cảnh ngộ để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh, biết cách giữ gìn sức khỏe, tìm được niềm vui sống, đó là những điều mà bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) có được khi tham gia câu lạc bộ (CLB) bạn ĐTĐ.
* Biết cách sống chung với bệnh
Hiện nay, bệnh ĐTĐ đã trở thành phổ biến trong cộng đồng dân cư. Tỉ lệ người mắc bệnh ĐTĐ tăng dần qua từng năm. Mỗi năm ngân sách y tế phải mất 4 - 5% để tiêu tốn cho chi phí điều trị bệnh này. Một trong những nguyên nhân tiêu tốn này là do người bệnh thiếu kiến thức, thiếu thông tin chính thống về bệnh.
Trong một cuộc hội thảo do Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe (TTGDSK) tỉnh tổ chức, nhiều bệnh nhân tham gia đều có chung nguyện vọng thành lập một CLB để cùng chia sẻ thông tin về bệnh tật. Kết quả sau nhiều tháng chuẩn bị, tháng 3.2008, CLB những bệnh nhân ĐTĐ đầu tiên của tỉnh Bình Định chính thức được ra mắt.
“Ban đầu mới thành lập chỉ có vài chục người, đến nay CLB đã tập hợp 242 thành viên là bệnh nhân và người nhà cùng tham gia. Vì thế, mới đầu Ban chủ nhiệm CLB chỉ có 5 người nhưng giờ đã “phình” ra đến 9 người rồi” - ông Hồ Văn Cẩn, chủ nhiệm CLB khoe.
Thông qua các buổi hội thảo, hội nghị do Trung tâm TTGDSK tổ chức, các thành viên được bác sĩ, tiến sĩ chuyên khoa đến từ các bệnh viện lớn ở TPHCM, Hà Nội và các bệnh viện trong tỉnh thông báo tình hình bệnh tật, cách phòng bệnh và cập nhật những kiến thức mới nhất về bệnh.
Bản thân ông Cẩn bị bệnh ĐTĐ năm 1991 khi đang học ở Đà Nẵng. Những ngày đầu, cuộc sống của ông có nhiều xáo trộn. Bi quan, chán nản, cộng với triệu chứng mệt mỏi của công việc, ông cảm thấy cuộc sống quá bế tắc. Không chỉ ông mà nhiều bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ còn có suy nghĩ đây là căn bệnh không thể chữa khỏi nên đã nhiều lần buông xuôi, không theo dõi tình trạng đường huyết. Nhưng bây giờ thì khác, ngoài việc kết hợp điều trị, chế độ ăn uống, luyện tập thể thao, sức khỏe đã ổn định, ông Cẩn cũng như các thành viên CLB đã trở thành những… tuyên truyền viên tích cực của cộng đồng.
Ông Cẩn cho biết: “Cái lợi rõ nhất là chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau, biết cách sống chung với bệnh, yên tâm điều trị không còn hoang mang, lo sợ như trước và thấy mình sống có ý nghĩa hơn”.
* Kênh tuyên truyền nhanh và hiệu quả
Các thành viên tham gia CLB trên tinh thần tự nguyện, không cần phải đóng góp bất kỳ một khoản phí nào. Sinh hoạt của CLB chủ yếu do Trung tâm TTGDSK tỉnh tổ chức thông qua các hội thảo, hội nghị. Khi có những thắc mắc cần hỏi, các thành viên viết thư, bác sĩ trả lời trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng.
Ngoài ra, gặp bài thuốc, thông tin gì hay trên báo chí liên quan đến bệnh, các thành viên lại truyền miệng hay phô tô để phát cho mọi người cùng tham khảo. Ông hào hứng: “Mình chỉ bỏ thêm một chút công tìm giúp họ thôi chứ có tốn kém gì đâu. Cái gì khó không biết chứ tuyên truyền kiểu này vừa nhanh lại hiệu quả nữa. Ra đường, hễ gặp, chỉ cần hỏi thăm, động viên nhau cũng đủ thấy mình có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật”.
Điều trăn trở hiện nay là CLB không có chỗ để tổ chức sinh hoạt định kỳ mà chỉ thông qua các hội thảo, hội nghị do Trung tâm TTGDSK tỉnh tổ chức. Mặt khác, số bệnh nhân ĐTĐ đang ngày càng gia tăng nhanh chóng nhưng ngành y tế lại chưa có một chương trình tầm soát cũng như sự quan tâm đúng mức.
|