Theo một báo cáo trình bày tại hội thảo thường niên của Hiệp hội sức khoẻ sinh sản Mỹ diễn ra tại San Francisco ngày 12.11, phụ nữ thường xuyên phơi nhiễm chất Bisphenol A (BPA) có trong các loại bao bì nhựa đóng gói thức ăn và đồ uống có thể sẽ bị giảm cơ hội được làm mẹ.
BPA là một chất hoá học gây nhiều tranh cãi sử dụng để làm cứng bao bì nhựa đóng gói thực phẩm.
Hoá chất này có thể làm giảm làm tổ của phôi thai trong tử cung người mẹ.
Tháng trước, nhóm chuyên gia cố vấn của Cơ quan quản lý Thuốc và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận sai lầm khi tuyên bố chất BPA vốn được sử dụng rất nhiều trong qui trình sản xuất bình sữa cho trẻ em và nhiều sản phẩm bao bì đóng gói thực phẩm khác là không có hại cho sức khoẻ của con người.
FDA tuyên bố đầu năm 2009 sẽ bắt đầu dự án nghiên cứu về tác hại của BPA lên trẻ em dưới 1 tháng tuổi.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Julie Lamb đến từ trường đại học California, San Francisco dẫn đầu đã tiến hành do nồng độ BPA ở nhiều phụ nữ trong suốt chu kỳ đầu của thời gian thụ tinh bằng ống nghiệm (IVF). 93% trong số 41 phụ nữ có nồng độ BPA đo được. Những người này có xu hướng không thể đậu thai.
Theo giải thích của nhóm nghiên cứu, các tế bào tử cung phơi nhiễm BPA dù trong một thời gian ngắn cũng bị giảm phân chia. Có thể vì vậy mà phôi không thể bám được vào thành tử cung.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng kết quả trên chưa đáng tin cậy vì chỉ dựa trên một con số thống kê quá nhỏ.
Các thử nghiệm trên động vật trước đây cho thấy BPA có khả năng bắt chước hormone sinh dục nữ estrogen. Nhiều người đã lo lắng trẻ bị phơi nhiễm chất hoá học độc hại này sẽ bị khuyết tật bẩm sinh và bị rối loạn phát triển về sau.
BPA cũng bị nghi là thủ phạm gây ra hàng loạt các vấn đề sức khoẻ khác như ung thư, tiểu đường, béo phì, giảm khả năng tập trung…
Con người có thể nhiễm BPA qua tiếp xúc trực tiếp với hoá chất hoặc gián tiếp qua sử dụng thực phẩm được đóng gói trong bao bì có BPA.
|