|
Triều cường gây ngập ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức. Với đỉnh triều cường lên đến hơn 1,5m vào tối 13.11, đây là đợt triều cường cao nhất tại TPHCM từ trước đến nay. |
Lại một lần nữa, một bất thường của thời tiết đã trở thành kỷ lục. Sau những “kỷ lục” ở phía Bắc, mới đây nhất là đợt triều cường lịch sử trong 50 năm qua đã xảy ra tại TPHCM. Đối với các chuyên gia, bên cạnh những nguyên nhân khác, thì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển gia tăng tại khu vực phía Nam là điều không thể bỏ qua trong sự kiện này.
Cảnh báo đang trở thành hiện thực
Theo chính những nhà khoa học, thì việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu (BĐKH) vẫn mang tính chất dự báo. Chỉ có điều, cùng với thời gian, những dự báo đó đã được chứng minh rằng nó hoàn toàn có thể xảy ra, và đã xảy ra ở nhiều nơi. Với Việt Nam, Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới đã từng nhận định rằng chúng ta thuộc trong nhóm 5 quốc gia bị thiệt hại lớn nhất thế giới do BĐKH. Một cách cụ thể hơn, các tổ chức này từng nhiều lần cảnh báo: BĐKH có thể làm 22 triệu người dân Việt Nam bị mất nhà và phần lớn diện tích canh tác màu mỡ nhất của vựa lúa sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong nước biển!
“Mực nước biển có thể dâng lên 33-45cm vào năm 2050 và sẽ tiếp tục dâng thêm. Khi mực nước biển dâng thêm 1m, 14 triệu dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, 40.000km² vùng đồng bằng bị ngập lụt và 1.700km2 vùng ven biển bị chìm. TPHCM và phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập”, ông Trần Thục, Viện trưởng của Viện Khoa học kỹ thuật khí tượng thủy văn - môi trường đã nói như vậy từ năm ngoái.
Những cảnh báo đó, nhanh hơn dự đoán ban đầu, nay đã trở thành những mối lo hiển hiện. Trận ngập lịch sử do triều cường tại TPHCM vừa qua là một ví dụ. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, nhà khoa học Việt Nam từng đoạt giải Nobel và hiện nay đang là một chuyên gia hàng đầu về BĐKH, Việt Nam có hai thành phố ven biển lớn nhất là Hải Phòng và TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Và trận triều cường lịch sử ở TPHCM mới đây, cũng như trận triều cường lịch sử đã diễn ra gần 1 năm trước cũng tại TPHCM, chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi nước biển dâng và gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trở lại với các diễn biến trong thời gian qua tại Nam bộ, có thể thấy việc mực nước biển dâng lên đã không còn là nỗi lo của 20 năm tới như những cảnh báo trước đây. Hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền tại các tỉnh miền Đông Nam bộ trong thời gian qua đã ngày càng trầm trọng hơn. Theo một thống kê khác từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tại khu vực phía Nam, có nhiều nơi mực nước biển đã dâng cao hơn 20cm so với trước đây và người dân đã phải đắp kè ngăn nước biển để tự bảo vệ!
Cần những giải pháp nhanh và mạnh
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng các chương trình quốc gia để chống, giảm nhẹ tác hại của BĐKH. Nhiều chuyên gia hàng đầu của chúng ta đã được tập hợp lại để thực hiện các chương trình này, thực hiện việc tính toán các thiệt hại của BĐKH. Từ cả trong và ngoài nước, vấn đề ảnh hưởng của BĐKH đến Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Có nhiều loại ảnh hưởng được các chuyên gia đề cập: sự xâm thực ngày càng tăng của nước mặn vào các ao nước ngọt và cánh đồng lúa; ngập lụt và lũ quét trong suốt mùa mưa; vấn đề thoát nước của các con sông và nước mưa trong khi thiếu nguồn cung cấp nước sạch; mất đất canh tác và đất ở; di cư hàng loạt của cư dân ở vùng đồng bằng lên vùng cao; mất mùa; phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng, làm mất và phá hủy hệ thống đa dạng sinh học bao gồm rừng ngập mặn, các loài sinh vật biển và đất trồng v.v…
Việc tính toán đang được triển khai, nhưng có lẽ, bên cạnh những triển khai tính toán tổng thể như vậy, thì việc thực hiện các giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình BĐKH hiện nay cũng rất cần thiết.
Theo các chuyên gia, cũng như vấn đề môi trường, bên cạnh những chính sách của nhà nước, việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong vấn đề chống BĐKH rất quan trọng. Việc sử dụng nguồn năng lượng sạch là một ví dụ. Một ví dụ khác, điển hình hơn, là các hoạt động như phá rừng đã làm cho các tác động của BĐKH trở nên nặng nề hơn.
Hơn bao giờ hết, những tác động rõ rệt của BĐKH đang yêu cầu chúng ta làm nhiều hơn, có những giải pháp cấp bách hơn. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích một phần bài viết được đăng trên website của Đại sứ quán Đan Mạch: “Dù người dân có kiến thức chống chọi với lũ lụt, bão hay đối phó với những dao động của thời tiết trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản thì BĐKH vẫn có thể tạo ra những tình huống mới mà các biện pháp truyền thống này sẽ không còn hiệu quả nữa.
Do vậy, rõ ràng các cộng đồng địa phương cần giúp đỡ không chỉ từ lãnh đạo quốc gia mà còn từ cộng đồng quốc tế nhằm thích nghi với những thay đổi không thể tránh được này. Quan trọng hơn thế, việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ổn định lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt là ở những nước công nghiệp lớn và những nền kinh tế mới nổi trong các cuộc họp về BĐKH sắp tới được tổ chức tại Pozand, Ba Lan (COP14) và Copenhagen, Đan Mạch (COP15) sẽ có tính quyết định để cứu những người dân vô tội và những mảnh đất bình yên của họ khỏi sự tàn phá của BĐKH”.
. Theo SGGP |