Những chứng cứ tìm được từ một ngôi mộ từ thời kỳ Đồ Đá được khai quật ở miền trung nước Đức đã giúp chứng minh rằng con người đã biết sống với nhau như một gia đình từ khi còn rất sớm.
|
Ngôi mộ 4.600 năm tuổi còn để lại thi hài của một người đàn ông, một phụ nữ và hai bé trai. |
Ngôi mộ 4.600 năm tuổi chứa thi hài của một người đàn ông, một phụ nữ và hai bé trai. Các xét nghiệm ADN cho thấy họ là một gia đình gồm bố, mẹ và những người con.
Theo các nhà nghiên cứu sự quy tụ lúc chết như vậy chứng tỏ họ đã có cuộc sống rất đoàn kết.
Trong khi đó rất nhiều đồ dùng và hiện vật từ thời Đồ Đá được tìm thấy trong ngôi mộ vẫn còn đang được nghiên cứu. Có rất ít bằng chứng chứng minh rằng có mối quan hệ xã hội giữa con người trong thời kỳ này.
“Bằng việc thiết lập mối quan hệ di truyền học giữa hai người lớn và hai trẻ em được chôn chung với nhau trong một ngôi mộ, chúng tôi đã chứng minh được sự tồn tại của một gia đình hạt nhân thời cổ điển từ thời tiền sử ở Trung Âu, đây là bằng chứng gen lâu đời nhất xác thực nhất cho đến nay”, ông Wolfgang Haak, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Trường đại học Adelaide, Australia cho biết.
Bên cạnh ngôi mộ của gia đình hạt nhân, một ngôi mộ thứ hai có 3 trẻ em, hai trong số đó là anh em ruột, được chôn cùng với một phụ nữ nhưng không phải là mẹ chúng. Theo các nhà khoa học đó có thể là dì hoặc mẹ kế của hai đứa trẻ.
|