|
Sau vài ngày mưa lớn, các vùng khu Đông Tuy Phước đã chìm sâu trong lũ. Ảnh: Văn Lưu |
Sau vài ngày mưa lớn, lũ lụt đã xuất hiện ở một số nơi trong tỉnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Với phương châm “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”, ngành Y tế đã huy động lực lượng ra quân phòng chống dịch bệnh.
Tại các địa phương bị ngập lụt, môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ăn uống của người dân bị nhiễm bẩn.
Theo kinh nghiệm, môi trường ô nhiễm sau khi nước lũ rút là điều kiện thuận lợi bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh đường ruột (như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm), sốt xuất huyết, dịch hạch, viêm phổi, đau mắt đỏ và các bệnh ngoài da…
Do đó, vấn đề đáng quan tâm của ngành Y tế hiện nay là phải xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống của người dân và làm vệ sinh môi trường. Các đội cơ động phòng chống lũ lụt của ngành đã được phân bổ đều về các điểm bị ngập lụt để “cắm chốt” theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh.
Ông Trần Duy Ngọc, Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước, cho biết: “Tuy Phước là “rốn lũ” nên ngay từ khi bước vào mùa mưa, chúng tôi đã chuẩn bị công tác ứng phó khi có lũ lụt xảy ra. Hiện, các xã thuộc khu Đông của huyện đã bị ngập nặng, có vùng như Hòa Thắng gần như bị chia cắt hoàn toàn. Chúng tôi đã chỉ đạo cho lực lượng y tế xã những biện pháp ứng cứu kịp thời. Các trạm cũng đã cấp phát viên Chloramin B, bột Chloramin B và hướng dẫn người dân khử khuẩn các giếng nước, đồng thời khẩn trương nắm danh sách hộ gia đình bị ngập lụt để có phương án hỗ trợ về mặt y tế”.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đã đi giám sát và đôn đốc các Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã cung cấp hóa chất khử khuẩn các vùng ngập lụt, các điểm công cộng, trường học để tránh các loại côn trùng gây bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị phải đưa thuốc đến tận tay và hướng dẫn để người dân chủ động xử lý nguồn nước.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng đã củng cố các đội cấp cứu tại chỗ và lưu động, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế và phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng cứu, không để xảy ra dịch bệnh. Nếu dịch bệnh xảy ra, phải phát hiện và khoanh vùng được ngay từ ca đầu tiên.
Tại địa bàn TP Quy Nhơn, ngay trong ngày 18.11, ngành y tế đã triển khai xe loa tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường sau lũ lụt.
Hiện nay, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng dịch sốt xuất huyết vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là trong thời điểm nước ứ đọng lâu ngày. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cảnh báo, loài muỗi vằn, muỗi hoa (muỗi Aedes) gây sốt xuất huyết chỉ sống, đẻ trứng ở các bể nước, vũng nước, dụng cụ đựng nước trong và xung quanh nhà dân chứ không phải ở ngoài cống rãnh, cánh đồng. Do đó, ý thức vệ sinh môi trường, diệt muỗi của mỗi hộ dân có vai trò quyết định trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết bùng phát.
|