Một nghiên cứu mới của Mỹ khẳng định nếu chúng ta biết nghỉ giải lao hợp lý giữa các giờ học thì khả năng tiếp thu kiến thức của chúng ta sẽ tăng lên đáng kể. Thời gian nghỉ giữa giờ càng nhiều thì khả năng nhớ lại kiến thức càng tốt.
Vì vậy, việc học nhồi nhét trước mỗi kỳ thi hay trước mỗi dịp cần thiết sẽ không hiệu quả đối với người học về lâu về dài.
Trên đây là kết quả công trình nghiên cứu của 2 giáo sư tâm lý Hal Pashler và John Wixted thuộc trường đại học UC San Diego.
2 tác giả nghiên cứu đã mời hơn 1.000 người tham gia vào 2 khoá học. Trong khoá đầu, những người này được dạy về những sự việc có thật nhưng mơ hồ. Trong khoá 2, các đối tượng nghiên cứu được ôn lại những kiến thức cũ. Thời gian nghỉ giữa khoá của các đối tượng này là khác nhau, từ 7 phút cho đến vài tháng. Thời gian học tập được giữ nguyên không đổi trong bất kỳ điều kiện nào. Sau một khoảng thời gian ngưng học tối đa là 1 năm, các đối tượng nghiên cứu được kiểm tra trắc nghiệm kiến thức đã học.
Khoảng thời gian nghỉ giữa khoá học thứ 2 với kỳ kiểm tra tăng lên thì trí nhớ của người học giảm đi theo đúng qui luật quen thuộc về khả năng ghi nhớ của con người. Kết quả thu được này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng nói là khi khoảng cách giữa 2 khoá học tăng lên thì tỉ lệ kiến thức bị rơi rụng giảm đi rất nhiều. Đôi khi, người học có thể nhớ lại tới 50% kiến thức cũ trong kỳ thi kiểm tra.
Nghiên cứu trên có thể ứng dụng thiết kế các chương trình học phù hợp trong ngành giáo dục.
|