|
Các loại rác thải này tích dần cho đến nay đã được một diện tích gấp 6 lần diện tích nước Pháp (675.417 km2). |
Một lục địa mới xuất hiện giữa Thái Bình Dương, được hình thành từ các loại nhựa phế thải của con người và trải rộng trên một diện tích bằng 1/3 châu Âu, có chỗ dày đến 30m.
Phía bắc Thái Bình Dương, các dòng chảy đại dương cuốn theo hàng triệu tấn nhựa phế thải.
Các loại rác thải này tích dần cho đến nay đã được một diện tích gấp 6 lần diện tích nước Pháp (675.417 km2).
Nếu ngày nay Christophe Colombe cùng với 3 con tàu thám hiểm của mình ra khơi từ Palos de la Prontera (bờ biển Andalousie, Đại Tây Dương) và băng qua Đại Tây Dương, có thể ông sẽ không cập bến ở châu Mỹ như cách đây 516 năm.
Trên con đường tìm kiếm Châu Á, dự định ban đầu của Christophe Colombe, giờ đây ông sẽ phải vượt qua kênh đào Panama. Nhưng cũng không phải vì đã qua Panama mà ông đến được Châu Á, bởi nửa chặng đường Christophe Colombe bất ngờ gặp một châu lục mới.
Sự hình thành của châu lục thứ 7
Đó chính là “Bãi rác thải rộng lớn của Thái Bình Dương”, “châu lục thứ 7”, nằm giữa vùng duyên hải Haiwai và Bắc Mỹ, được hình thành từ hàng triệu tấn rác thải nhựa trôi theo các dòng chảy đại dương.
Ở nơi này của thế giới, các dòng đại dương vận động theo chiều kim đồng hồ, chúng tạo ra một vòng xoáy bất tận, một xoáy nước lớn cuốn theo các loại rác thải nhựa, như gió cuốn phăng giấy rác vào một xó xỉnh nào đó.
Vòng xoáy á nhiệt đới hay chiếc tuốc-bin của Thái Bình Dương nhiều năm nay đã tích tụ nhựa phế thải từ các vùng ven biển và từ các tàu thuyền, tuốc-bin cuốn rác vào vòng xoáy của nó và nhờ lực hướng tâm, dần dần đẩy chúng vào tâm vòng xoáy, một vùng có động năng yếu với diện tích khoảng 3,43 triệu km2 (bằng 1/3 châu Âu và gấp 6 lần nước Pháp).
Ở phần này của Thái Bình Dương, cứ 1 tấn sinh vật nổi có khoảng 6 tấn nhựa phế thải. Tỷ lệ trên là rất đáng lo ngại, nhất là khi nó không chỉ đơn thuần là rác thải bề mặt: lớp nhựa phế thải của vòng xoáy rác này có chỗ bề dày lên đến 30m.
Dù vậy lớp nhựa chưa đủ vững chắc để con người có thể bước ung dung như đi trên mặt đất. Dù chiếm một diện tích rộng lớn trên bề mặt Thái Bình Dương, đây lại là vùng ít tàu thuyền qua lại. Không có du thuyền, không có thuyền đánh cá, thảng hoặc mới có vài hòn đảo nhỏ.
Cách đây 10 năm, nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thiết về sự tồn tại của một nơi tập trung rác thải nhựa trên Thái Bình Dương và Greenpeace cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng người ta vẫn bỏ ngoài tai sự nghiêm trọng của vấn đề cho đến khi số liệu điều tra trong vòng 10 năm qua của một tổ chức sinh thái vùng bờ biển phía tây Hoa Kỳ, AMRF, được công bố.
Dù con người vẫn chưa thể bước đi trên lục địa rác thải mênh mông này, nhưng chuyển động xoay liên tục của dòng nước đang khiến khối rác thải ngày càng gắn kết với nhau. Những con số thống kê của Greenpeace cho biết trong khu vực Thái Bình Dương có khoảng 3,3 triệu loại rác thải trên 1km2 đại dương. Tổng khối lượng của châu lục rác này khoảng 3,5 triệu tấn, đa phần là nhựa. Theo những tính toán của AMRF, diện tích của mảng rác thải này đã tăng gấp 3 từ năm 1997 đến nay, và có thể tăng gấp 10 từ nay đến năm 2030.
Động vật biển chết non và gây hại cho con người
Rác thải đầu độc cả chuỗi thức ăn. Hậu quả mà nó gây ra cho môi trường biển sẽ không thể cứu vãn. Trên thực tế, rác thải nhựa không bị biến dạng do các tác nhân sinh học (trung bình, nó sẽ tự tiêu hủy trong vòng 500 năm). Theo thời gian nó chỉ bị phân hủy thành từng mảnh nhỏ nhưng cấu trúc phân tử thì không hề thay đổi.
Điều này dẫn đến việc một lượng khổng lồ “cát nhựa” được sinh ra, trông có vẻ giống thức ăn của các loài động vật biển. Những mảnh nhựa này không thể tiêu hóa được, và rất khó bị loại thải ra khỏi cơ thể. Dần dần chúng tích tụ trong dạ dày cá và các loài chim biển. Những loài động vật này cuối cùng sẽ chết vì thiếu chất.
Hơn nữa, những mảng cát nhựa bềnh bồng trông như bọt biển này còn chứa nhiều chất độc với tỷ lệ cao hơn hàng triệu lần bình thường, như chất DTT (diệt côn trùng) hay PCB, là những chất cực độc. Các tác động dây chuyền sẽ ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn và gây hại cho con người. Greepeace đã thống kê ít nhất 267 loài động vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng nhiễm độc trên.
Cái gì cũng có cách giải quyết, nhưng có lẽ lời giải cho nó có thể sánh với 12 kỳ tích của Hercule, mà tốc độ sản xuất nhựa của chúng ta thì cứ tăng vọt theo cấp số nhân. Con người cần có sự thay đổi triệt để trong thói quen hàng ngày. Phương pháp loại bỏ nhựa phế thải trên biển vẫn được áp dụng từ hàng nghìn năm nay là chăng lưới vớt rác. Nói thế nhưng việc thu hồi hàng triệu tấn nhựa phế thải cũng sẽ tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ.
. Theo TPO |