Chủ quan với sốt xuất huyết, nhiều người lớn phải nằm viện
11:13', 27/11/ 2008 (GMT+7)

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Nhiệt Đới.

Nghĩ bị cảm thông thường, chỉ mua thuốc uống mà không đi khám, nhiều bệnh nhân người lớn đã phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết ồ ạt, truỵ tim, viêm gan, thậm chí tử vong do sốt xuất huyết.

Đang điều trị tại khu Nhiễm D của Bệnh viện Nhiệt Đới, chị Dương Thị Ngọc, 21 tuổi, ngụ tại quận 9, cho biết, lúc đầu chị chỉ thấy ớn lạnh và sốt nhẹ như bị cảm. Tại bệnh viện quận, chị được các bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi và cho thuốc uống nhưng uống 3 ngày mà không thấy giảm. Đến ngày thứ năm thì chị bắt đầu bị tiêu chảy và buồn nôn. Kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Nhiệt đới cho thấy chị Ngọc bị sốt xuất huyết cấp độ 3.

Vừa xuất viện sau hơn 10 ngày điều trị cấp cứu, chị Lý Thu Sang, 37 tuổi, ngụ tại Thủ Đức cho biết, chị nghĩ mình bị cảm nên chỉ mua thuốc uống mà không đi khám, đến khi toàn thân mệt lả, mê man, âm đạo bị xuất huyết chị mới nhập viện với chẩn đoán sốc do sốt xuất huyết ở cấp độ 3.

Cũng giống như chị Ngọc, chị Sang, hầu hết các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khác đang được điều trị tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhiệt Đới đều nghĩ rằng, bệnh sốt xuất huyết chỉ tấn công trẻ em, nên khi thấy sốt kéo dài, họ chỉ mua thuốc uống mà không đến viện khám.

Một bác sĩ chuyên khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết, cũng với lối suy nghĩ chủ quan này, đầu tháng 10 qua, một nam bệnh nhân 27 tuổi, nhà ở Bình Dương đã tử vong do xuất huyết bao tử, suy hô hấp. Nhiều người khác thay vì chỉ cần theo dõi tại khoa Nhiễm, nay phải điều trị tích cực tại khoa săn sóc đặc biệt do nhập viện khi bệnh tình đã nguy kịch.

Khảo sát của VnExpress.net tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM trưa nay, có gần 200 người đang phải nằm viện vì sốt xuất huyết. Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cũng cho biết, từ 3 tháng trở lại đây, lượng bệnh nhập viện chưa có dấu hiệu giảm. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 40 ca, trong đó, không ít ca có biểu hiện sốc nặng.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết, trong những năm gần đây sốt xuất huyết người lớn đang có chiều hướng tăng nhanh. Riêng 9 tháng qua, đã có trên 4.000 bệnh nhân người lớn nhập viện vì căn bệnh này, tăng gần gấp hai lần năm trước.

“Nếu năm 1991 tỷ lệ người lớn mắc bệnh khoảng 14% thì hiện nay, con số này đã lên đến trên 30% thậm chỉ có lên đến 50%. Độ tuổi của các bệnh nhân cũng đang có chiều hướng nhích dần từ khoảng 15 lên đến 50 tuổi”, bác sĩ Hiền nói.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi độ tuổi mắc bệnh, đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiền, việc nhiều người lớn không phòng bệnh do cho rằng bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ người lớn mắc bệnh ngày càng cao.

Một bác sĩ chuyên khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết, so với trẻ em, biểu hiện bệnh ở người lớn có một số điểm khác so với trẻ em. Đa phần bệnh nhân đều có dấu hiệu nóng lạnh, sau đó sốt cao kèm đau đầu, nôn ói hoặc tiêu chảy. Khi đã mắc bệnh, trẻ em dễ bị sốc, truỵ tim mạch, trong khi đó, người lớn thường bị xuất huyết. Hiện tượng xuất huyết da chiếm trên 80%, 50% xuất huyết âm đạo đối với phụ nữ, nửa số bệnh nhân bị chảy máu răng còn lại là những ca xuất huyết tiêu hoá, chảy máu mũi. "Viêm cơ tim, viêm gan, xuất huyết não chiếm một phần nhỏ, chủ yếu xuất hiện ở những ca sốc năng nhưng nguy cơ tử vong thường rất cao", bác sĩ này nói.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới, Trần Tịnh Hiền, do chưa có văcxin ngừa bệnh cũng không có thuốc đặc trị, cho nên ngăn muỗi đốt; đến bệnh viện khám khi bị sốt kéo dài vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, nhằm tránh các nguy cơ sốc cao.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thiếu hụt Vitamin D làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch  (27/11/2008)
Châu lục thứ 7, châu lục rác!  (26/11/2008)
4 triệu người VN mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính  (26/11/2008)
Quan sát chớp để dự báo lũ và mưa lớn  (25/11/2008)
Nhiều nước "bày cách" nhận biết rau Trung Quốc  (25/11/2008)
Mổ cột sống bằng phương pháp không xâm lấn giúp hồi phục nhanh   (25/11/2008)
Hoá chất thúc chín hoa quả có thể gây thủng ruột   (25/11/2008)
Trứng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái đường   (25/11/2008)
Duy trì cuộc sống không stress giúp chống ung thư   (25/11/2008)
Đã phát triển được giống lúa “kháng nước” mới  (24/11/2008)
Một người Việt giành 12 giải thưởng của IBM  (24/11/2008)
Điện thoại di động giúp giải quyết vấn nạn kẹt xe  (24/11/2008)
Hoá chất vạn năng biến quả xanh thành chín  (23/11/2008)
Tội phạm mạng gây hại ngang... khủng hoảng tín dụng  (23/11/2008)
Đã phát triển được tế bào sản xuất insulin nguyên chất từ chuột  (23/11/2008)