|
Ảnh minh họa |
Thông tư về quản lý blog dự tính ra đời cuối năm nay sẽ thắt chặt hơn hoạt động của những người viết nhật ký trên mạng (blogger) hiện được cho là đang bị thả nổi.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý khẳng định không can thiệp vào vấn đề riêng tư của blogger, không ngăn chặn, nghiêm cấm mà chỉ định hướng những việc các blogger nên tránh…
Ngày 27.11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề quản lý blog đang được dư luận Việt Nam và nước ngoài quan tâm.
Ông Doãn nói: Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân (blog) ra đời không phải để giải quyết mọi vấn đề của blog mà mang tính định hướng, tạo hành lang pháp lý cơ bản, ngoài ra còn để giải quyết vấn đề tư tưởng, xã hội, vấn đề mang tính đối ngoại.
Nhiều hãng thông tấn nước ngoài thời gian qua rất săn đón thông tin về quy chế quản lý blog của Việt Nam. Bản chất của Thông tư là không can thiệp vào vấn đề riêng tư của các blogger mà chỉ định hình để xác định khái niệm blog là gì, từ đó đưa ra phạm vi điều chỉnh gói gọn trong khái niệm đó.
Thông tư cũng sẽ nêu rõ việc nào được khuyến khích, ủng hộ, tạo điều kiện phát triển blog và việc nào các blogger nên tránh. Hoàn toàn không có tính phép tắc hay quản lý hành chính như nhiều lĩnh vực khác.
Những quy định của Thông tư sẽ kết hợp cả yếu tố pháp lý, kỹ thuật, công tác tuyên truyền giáo dục. Chính công tác tuyên truyền giáo dục khiến các blogger biết mình phải làm như thế nào trong hoạt động này. Chúng tôi cố gắng ban hành thông tư này trong tháng 12 năm nay.
Theo dự thảo Thông tư này, yếu tố cơ bản để phân biệt blog với các loại hình thông tin khác là gì, thưa ông?
Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào cả. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định.
Dự thảo lần thứ 5 của Thông tư về quản lý blog không có nhiều điểm mới so với nghị định quản lý Internet. Vậy tại sao lại phải tách riêng vấn đề quản lý blog ra thành Thông tư như vậy?
Dự tính, Thông tư này cơ bản vẫn là những vấn đề liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin trên mạng nhưng phải tách hoạt động blog riêng ra do đây là vấn đề trong thời gian qua không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới quan tâm.
Thông tư này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người tham gia hoạt động blog thấy được những việc cần làm khi thiết lập, khởi tạo một blog và cũng là cơ sở cho cơ quan chức năng có thể xử lý khi phát hiện sai phạm.
Thông tư có đưa ra chế tài cụ thể nào trong việc xử lý các hành vi vi phạm của các blogger, thưa ông?
Trong Thông tư không đưa ra chế tài xử lý mà đưa ra khung để blogger biết phạm vi hoạt động của mình. Trong thời gian tới sẽ có các văn bản khác như Nghị định thanh tra Internet, sẽ có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin mà sắp tới sẽ chỉnh sửa để có quy định riêng cho lĩnh vực thông tin truyền thông.
Lúc đó chúng ta có thể thống kê tất cả các hành vi có thể vi phạm trong lĩnh vực này, và có đầy đủ căn cứ để xử phạt. Khi chưa có 2 Nghị định này, Nghị định hiện nay về quản lý Internet đã có chế tài có thể xử phạt được.
Ngoài ra, chế tài xử lý những nội dung liên quan đến blog đã có nhiều văn bản luật, kể cả luật dân sự, hình sự về xúc phạm người khác, thông tin không đúng, v.v…
Hiện nay nhiều người cho rằng blogger cũng là một nhà báo công dân. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã mời blogger đến dự họp báo. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ của mình khó xác định. Nếu là tiếng nước ngoài thì nói blog là đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm đó. Nếu đã đưa thông tin báo chí thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí.
Trong thông tư có định nghĩa blog chỉ là trang cung cấp thông tin cá nhân. Vậy những blog đưa thông tin chính trị xã hội dưới góc nhìn cá nhân có được coi là blog nữa không?
Muốn trao đổi, tham gia, đóng góp ý kiến về chính sách, chính trị trong xã hội là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi đưa lên blog thì đó hoàn toàn là ý kiến cá nhân chứ không đại diện cho cơ quan, tổ chức nào và không phải là ý kiến chính thống.
Nhiều người nói với tôi blog là nhật ký cá nhân, đã là nhật ký thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử.
Cảm ơn Thứ trưởng.
. Theo TPO |