Sinh mổ đang có xu hướng gia tăng
16:4', 18/12/ 2008 (GMT+7)

Bên cạnh chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, hiện nay, nhiều sản phụ và gia đình có tâm lý “thích” sinh mổ (mổ lấy thai). Các bác sĩ khuyến cáo, việc “lạm dụng” kỹ thuật này ở nhiều trường hợp sẽ dẫn tới các tai biến nguy hiểm cho mẹ và bé.

 

Mổ không theo chỉ định của bác sĩ đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ.

 

* Xin mổ cho đúng... “giờ vàng”

Theo một nghiên cứu của bác sĩ Dương Ngọc Hiền, Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh, số lượng sản phụ mổ lấy thai trong thời gian qua đã tăng nhanh chóng. Nếu tỉ lệ mổ lấy thai chỉ khoảng 15% vào năm 1995 thì đến nay tỉ lệ này là gần 46%. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay, khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh đã có 2.016/4.408 trường hợp sản phụ mổ lấy thai. Bốn chỉ định thường gặp nhất trong mổ lấy thai là vết mổ cũ, ngôi mông, đẻ khó và suy thai.

Điều đáng nói là rất nhiều bà mẹ yêu cầu mổ lấy thai dù thai nhi vẫn phát triển bình thường (khác với các trường hợp mổ can thiệp trước hoặc trong khi chuyển dạ để tránh tai biến khi sinh).

Với quyết tâm sinh con đúng vào “giờ vàng”, một sản phụ lặn lội từ huyện Vĩnh Thạnh xuống TP Quy Nhơn để nhờ bác sĩ mổ dù tuổi thai chưa đủ. Còn chị Nguyễn Thị Thanh H. năm nay mới 26 tuổi (Tuy Phước) mang thai con đầu. Ngày chị đi siêu âm, bác sĩ bảo con trai. Nghe tin con dâu có con trai, mẹ chồng ra sức bồi dưỡng với quan niệm mẹ càng mập thì con càng khỏe. Kết quả, cái thai ngày càng to, chị H. đâm ra… sợ đẻ, một mực đòi bác sĩ cho mổ chứ nhất quyết không vào phòng sinh.

Bác sĩ Quách Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK Khu vực Phú Phong, cho biết: “Một thực tế đang diễn ra là tỉ lệ mổ lấy thai ngày càng gia tăng, ngoài lý do chuyên môn còn vì tâm lý xã hội. Nhiều gia đình sản phụ một mực “đòi” bác sĩ phải mổ lấy thai, nếu không bác sĩ phải chịu trách nhiệm “mẹ tròn con vuông” cho mẹ và bé. Tư vấn hết nước, người nhà và sản phụ vẫn không thông, bác sĩ cũng đành phải chấp nhận “mổ theo yêu cầu” của họ”.

Trong số 451/1.166 trường hợp mổ lấy thai tại BVĐK Khu vực Phú Phong, có 57 trường hợp được mổ theo yêu cầu từ áp lực gia đình (sợ đau, ngày giờ tốt…), con so lớn tuổi và con hiếm muộn phải điều trị vô sinh.

Không chỉ người nhà và sản phụ lạm dụng mổ lấy thai mà trên thực tế, đối với nhiều bác sĩ, mổ đẻ được xem là một giải pháp an toàn, giúp họ tránh những rắc rối có thể xảy ra trong thời gian theo dõi thai nghén và sinh nở. Bởi 2/3 tai biến trong chuyển dạ là không thể tiên lượng được. Hễ có thai là có nguy cơ, hoặc nhiều, hoặc ít. Có những tai biến chỉ xuất hiện khi chuyển dạ như sa dây rốn, tim thai suy, thuyên tắc ối. Vì vậy, việc sinh đẻ tự nhiên có nguy cơ gây bất lợi cho cán bộ y tế nếu việc tư vấn và theo dõi sản phụ chưa được thực hiện sát sao.

 

Nếu không có chỉ định sinh mổ, các thai phụ nên cố gắng “đẻ đau” theo cách tự nhiên (ảnh chỉ có tính minh họa).

 

* Cần can thiệp đúng lúc

Thủ thuật mổ đẻ chỉ mang lại lợi ích ít ỏi là giúp cuộc sinh nở diễn ra nhanh gọn (khoảng 30-45 phút), bác sĩ không phải theo dõi nhiều, người nhà tránh được sự chờ đợi căng thẳng. Nhưng, những cuộc vượt cạn sớm, mổ không theo chỉ định của bác sĩ đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ như dễ bị nhiễm khuẩn khi hút dịch trong phổi, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, tỉ lệ mổ lấy thai đang ngày càng tăng. Tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo, tốt nhất nên duy trì tỉ lệ mổ lấy thai ở mức dưới 15%. Vì khi tỉ lệ này vượt trên 15% thì tai biến sẽ xảy ra nhiều hơn cho mẹ và bé.

Nhiều người vì sợ đau mà sinh mổ cũng rất sai lầm. Vì dù không đau khi sinh nở, nhưng sau mổ đẻ, người mẹ phải chịu đau đớn tại vết mổ, cử động khó khăn hơn nhiều so với sinh thường. Ngoài nguy cơ có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo, vỡ tử cung trong khi mang thai, chuyển dạ đẻ… Người mẹ sinh mổ phải uống kháng sinh nên lượng sữa về cũng chậm hơn, trẻ không có cơ hội bú sữa non sẽ yếu hơn các trẻ khác.

Nghiêm trọng hơn, nếu đã mổ lần đầu, ở lần mang thai tiếp theo sẽ tăng nguy cơ thai chết lưu. Bác sĩ Dương Ngọc Hiền lưu ý, mổ lấy thai chưa phải là giải pháp tốt nhất cho một lần sinh. Vì thế, mổ lấy thai đối với những trường hợp sản phụ mang thai lần đầu cần phải được cân nhắc kỹ. Nếu không có chỉ định sinh mổ, các thai phụ nên cố gắng “đẻ đau” theo cách tự nhiên. Bởi kỹ thuật mổ lấy thai, cả trước mắt lẫn lâu dài đều không tốt cho cả người mẹ và thai nhi.

Riêng đối với nguyên nhân mổ lấy thai do ối vỡ non, ối vỡ sớm, các bác sĩ đều cho rằng có thể tác động nhằm giảm tỉ lệ này bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền trong chăm sóc thai kỳ, điều trị tích cực nhiễm khuẩn âm đạo… Ngoài ra, chế độ ăn uống của sản phụ cũng rất quan trọng. Những sản phụ đã có chế độ dinh dưỡng tốt thì không cần tăng khẩu phần ăn thông thường để tránh tình trạng tăng cân quá nhiều, gây khó đẻ. Ngược lại, với những người có chế độ dinh dưỡng kém, thể trạng yếu thì nên tăng cường lượng thức ăn đưa vào.

  • Minh Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kim khâu có lỗ trôn đàn hồi- phát kiến đơn giản mà thiết thực  (18/12/2008)
Áo tàng hình sắp trở thành hiện thực  (18/12/2008)
Rối loạn giấc ngủ và cách khắc phục  (17/12/2008)
Bã cà phê-nguồn nguyên liệu mới chế tạo dầu diesel sinh học   (16/12/2008)
10 năm, phát hiện 1000 loài mới tại tiểu vùng sông Mekong   (16/12/2008)
Phát hiện loài sâu sống trong... não người  (15/12/2008)
Hơn 80% bệnh ung thư do lối sống  (15/12/2008)
Quốc gia đầu tiên cho phép bầu cử qua điện thoại di động  (15/12/2008)
“Chổi xơ” bắt và giết tế bào ung thư trong máu  (15/12/2008)
8 "bí kíp" bảo vệ tim mạch  (14/12/2008)
Thịt lợn "dioxin" không có ở Việt Nam  (12/12/2008)
Thiết bị mới ngăn sử dụng điện thoại di động trong khi đang lái xe  (12/12/2008)
Giấc mơ có thể được ghi lại như phim  (12/12/2008)
2008 sẽ dài hơn các năm một giây  (12/12/2008)
Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng  (11/12/2008)