Gia tăng học sinh mắt kém, nhà trường thờ ơ
15:47', 22/12/ 2008 (GMT+7)

Học quá nhiều và mắt không được bảo vệ, chăm sóc khiến thị lực các công dân Việt Nam trong tương lai ngày càng kém (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây nhất thực hiện tại các tỉnh, thành Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong 4 học sinh thì có 1 em mắc các tật khúc xạ.

Tác giả của nghiên cứu này cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, việc chăm sóc bảo vệ mắt cho học sinh trong các nhà trường chưa được chú trọng.

Càng học nhiều mắt càng kém

Báo cáo kết quả nghiên cứu được nêu ra trong một hội thảo mới đây về bảo vệ chăm sóc mắt học sinh do Bộ GD&ĐT cùng Orbis (một tổ chức nhân đạo quốc tế về chống mù lòa) phối hợp tổ chức.

Cuộc khảo sát, điều tra đã được tiến hành ở 2.280 học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12), 1.520 phụ huynh và giáo viên, 81 cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học.

Kết quả sàng lọc cho thấy có 627 em thị lực có vấn đề (thị lực nhỏ hơn hoặc bằng 7/10), cần được khám tật khúc xạ.

Sau khi khám, các nhà nghiên cứu xác định tỷ lệ học sinh trong các trường học mắc tật khúc xạ rất cao: 596 em, chiếm 26,14% trong tổng số học sinh được khảo sát. Trong đó 532 học sinh cần phải đeo kính trợ thị.

Phân tích kết quả khảo sát cho thấy, càng học lên lớp cao, tỷ lệ học sinh có tật khúc xạ càng cao.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, người chủ trì đề tài nghiên cứu, phân tích này không chỉ đơn thuần phản ánh học sinh mắc tật khúc xạ nhiều hơn theo thời gian mà còn phản ánh nguyên nhân trực tiếp gây tật khúc xạ ở trẻ em: càng học nhiều, nguy cơ mắc tật khúc xạ càng cao. Nghiên cứu cũng cho thấy học sinh dùng nước máy thường mắc tật khúc xạ nhiều trong khi đó dùng nước suối mắc tật khúc xạ ít. Ông Nguyễn Đức Minh nói: “Điều trớ trêu là trong số những học sinh có đèn bàn để học ở nhà tỷ lệ phải đeo kính cao hơn rất nhiều so với những em không có đèn bàn.

Tìm hiểu nguyên nhân của kết quả này, chúng tôi nhận thấy những em có đèn bàn ở góc học tập thường là con em của những gia đình có điều kiện và quan tâm tới việc học hành của con cái, khu vực sinh sống thường là đô thị. Do đó các em phải học 2 buổi/ ngày ở trường, ngoài ra còn phải đi học thêm. Học sinh tại vùng khó khăn chỉ được học 1 buổi/ ngày, các em cũng không đi học thêm nên hầu như không cần dùng đèn bàn tại nhà và mắt không bị quá tải”.

Nhận định nguyên nhân hàng đầu khiến thị lực học sinh ngày càng kém là do học nhiều được hầu hết các chuyên gia đồng tình.

BS Phạm Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Học sinh ở nông thôn mắc tật khúc xạ ít hơn học sinh thành phố từ 3 – 5 lần. Đặc biệt, xã hội càng phát triển, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường cũng như các gia đình càng được cải thiện thì thị lực của học sinh càng giảm sút. Chẳng hạn, trẻ em Hà Nội ngày nay bị cận thị nhiều gấp 6 lần trẻ em Hà Nội cách đây bốn thập kỷ.

Hầu hết giáo viên không biết thế nào là ánh sáng đủ, bàn ghế phù hợp

Số lượng phiếu khảo sát với giáo viên mà nhóm nghiên cứu đưa bằng số phiếu khảo sát với phụ huynh (760/ mẫu).

Kết quả điều tra cho thấy, nhận thức của phụ huynh về chăm sóc bảo vệ mắt tương đối cao. Khi phát hiện con mình mắc bệnh mắt, thông thường phụ huynh đưa các cháu đến khám tại các trung tâm Mắt, bệnh viện Mắt.

Phụ huynh cũng có nhận định tương đối giống với các cán bộ y tế trường học, cán bộ quản lý giáo dục về thế nào là ánh sáng đủ, thế nào là bàn ghế phù hợp.

Ngược lại, nhiều giáo viên chưa nhận thức được về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ mắt cho học sinh trong trường phổ thông. Thậm chí, nhiều giáo viên phổ thông chưa biết hướng dẫn học sinh khi bị bệnh mắt ở mức độ nào thì nên đi khám, và khám tại đâu.

Ông Nguyễn Đức Minh bức xúc: “Đến nhiều lớp học, chúng tôi nhận thấy việc treo đèn rất tuỳ tiện, cứ tiện có chỗ treo đèn là treo mà bất chấp vị trí đó có mang tới đủ ánh sáng cho học sinh hay không. Vậy nhưng giáo viên không phát hiện ra. Có những lớp học ánh sáng chỉ đạt 150 lux (300 lux là tiêu chuẩn tối thiểu của ánh sáng trong lớp học – PV) nhưng giáo viên vẫn cho như thế là đủ. Không chỉ một vài cá nhân mà hầu hết giáo viên được khảo sát không biết ánh sáng thế nào là đủ, bàn ghế thế nào là phù hợp!”.

Một kết quả khảo sát khác khiến đại diện tổ chức Orbis ngạc nhiên: trong số 36 trường học được chọn ngẫu nhiên, không trường nào có bảng đo thị lực mắt và chỉ duy nhất một trường có treo những tấm panô tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc mắt.

Vị đại diện Orbis cho biết: “Cách đây mấy năm chúng tôi đã đưa về các tỉnh trên rất nhiều bảng đo thị lực mắt và các tấm panô tuyên truyền đề nghị họ treo ở các trường học”.

TS Y học Hoàng Văn Tiến (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Cách đây mấy năm, tôi thực hiện một chương trình về bảo vệ, chăm sóc mắt cho học sinh trong trường học ở Hà Nội. Tôi bỏ tiền túi ra mua bảng thị lực nhưng năn nỉ mãi các thầy hiệu trưởng mới đồng ý cho treo ở các lớp học. Treo lên rồi nhà trường bị Phòng GD&ĐT phê bình, bắt dỡ xuống. Trong khi đó, việc treo các bảng đo thị lực trong lớp học không chỉ giúp giáo viên phát hiện kịp thời em nào kém mắt để đề nghị gia đình đưa đi khám mà còn tác dụng rất tốt tới ý thức bảo vệ mắt của các cháu.

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghe nhạc có thể giúp cải thiện tim  (22/12/2008)
Dầm cầu composite siêu chịu lực đầu tiên trên thế giới  (22/12/2008)
VTC phát tín hiệu truyền hình lên Vệ tinh VINASAT 1  (21/12/2008)
10 đột phá khoa học trong năm  (21/12/2008)
Việt Nam sản xuất thử nghiệm chíp thương mại đầu tiên  (21/12/2008)
Làm cách nào biến rượu nho dở thành ngon nhanh chóng  (19/12/2008)
Bút cải tiến dành cho người thuận tay trái  (19/12/2008)
Mỹ: Báo in tụt dốc trước cạnh tranh của báo mạng  (18/12/2008)
Giảm stress trong dịp lễ tết  (18/12/2008)
Sinh mổ đang có xu hướng gia tăng  (18/12/2008)
Kim khâu có lỗ trôn đàn hồi- phát kiến đơn giản mà thiết thực  (18/12/2008)
Áo tàng hình sắp trở thành hiện thực  (18/12/2008)
Rối loạn giấc ngủ và cách khắc phục  (17/12/2008)
Bã cà phê-nguồn nguyên liệu mới chế tạo dầu diesel sinh học   (16/12/2008)
10 năm, phát hiện 1000 loài mới tại tiểu vùng sông Mekong   (16/12/2008)