Đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ của tỉnh ta là 2 trong số 12 đầm phá thuộc khu vực miền Trung được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chọn để thực hiện dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển. Dự án được triển khai nhằm khôi phục 2 hệ sinh thái (HST) quý giá này, đồng thời góp phần mang lại nguồn sống bền vững cho cư dân ven đầm.
|
Đã có nhiều chim, cò về lại vùng đầm Thị Nại. Ảnh: T.H
|
Các đầm phá được coi là những thủy vực đặc trưng và rất độc đáo ở vùng ven biển miền Trung. Khu vực này bao gồm nhiều HST có giá trị cao như: rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, nguồn lợi thủy sản (NLTS) phong phú. Các đầm phá đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển nghề cá, được xem là vùng tái tạo NLTS. Đồng thời, đầm phá còn được sử dụng cho các mục đích khác, như xây dựng cảng, phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch… Bên cạnh tầm quan trọng về mặt sinh thái, đây còn là môi trường sinh sống của nhiều cư dân ven đầm.
* Hệ sinh thái quý giá
Đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ của tỉnh ta mang đầy đủ những nét đặc trưng của hệ thống đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam. Nơi đây có nhiều giống loài thủy sản nước lợ rất có giá trị, không phải nơi nào cũng có được. Đầm Thị Nại là đầm nước lợ - mặn nhiệt đới, trải dài từ đông bắc TP Quy Nhơn đến phía đông Tuy Phước, Phù Cát, có diện tích lớn thứ 2 trong hệ thống đầm phá khu vực miền Trung, sau phá Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), là nơi phân bố rất phong phú rừng ngập mặn, thảm có biển và sự giàu có về NLTS.
Đầm Thị Nại cũng là một trong những đầm phá được xếp vào danh mục ưu tiên trong kế hoạch quản lý đầm phá nước ta. Theo khảo sát của ngành Thủy sản, đầm Thị Nại từng là nơi sinh sống của hàng chục loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Riêng khu vực Cồn Chim (thuộc địa phận xã Phước Sơn - Tuy Phước), trước đây chủ yếu là rừng ngập mặn, là nơi trú ngụ của các loài chim quý, như cò, vạc đen, nhạn… và nhiều giống loài thủy sản, như cá, tôm, hàu, sò, vẹm… Với NLTS đa dạng và phong phú như vậy, từ bao đời nay đầm Thị Nại là nguồn sống của hàng ngàn cư dân ven đầm. Còn đầm Trà Ổ là nguồn sống của hơn 650 hộ dân thuộc 4 xã Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Đầm Trà Ổ cũng đã được công nhận là 1 trong 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
So với các HST ở các vùng biển mở, các đầm phá nhạy cảm và dễ bị thương tổn hơn. Những năm gần đây, nạn ô nhiễm, khai thác cạn kiệt NLTS và đặc biệt là việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch hợp lý đã làm biến dạng, suy thoái những HST quý giá này.
|
Đầm Trà Ổ là nguồn sống của rất nhiều cư dân sống ven đầm. - Trong ảnh: Một góc đầm Trà Ổ. Ảnh: M.Hồng
|
* Gìn giữ cho mai sau
Nhiều năm qua, nhận thức được sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ, tỉnh ta đã triển khai nhiều đề tài, dự án khôi phục HST 2 đầm nói trên. Trong năm 2008, cùng với những nỗ lực của địa phương, đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ đã được GEF chọn thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển thông qua xây dựng các mô hình quản lý và sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước tại đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ tỉnh Bình Định”.
Mục đích của dự án nhằm bảo vệ môi trường, duy trì phát triển nguồn lợi đầm phá, phục vụ tốt hơn cho đời sống con người. Trong 3 năm thực hiện (từ cuối năm 2008- 8.2010) dự án sẽ hướng tới xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, triển khai hỗ trợ phao tiêu cắm trên đầm để phân vùng khai thác, xây dựng khu vực ươm các loài cây ngập mặn (đước, bần, mắm….) nhằm cung cấp cây giống, phát triển trồng rừng ngập mặn… để từng bước khôi phục lại sự phong phú và đa dạng của 2 HST này.
Song song với những giải pháp mang tính kỹ thuật, dự án sẽ hướng tới những giải pháp mang tính cộng đồng, như: xây dựng dự án hỗ trợ người dân vay vốn để nuôi trồng thủy sản trên đầm. Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng mô hình trình diễn đồng quản lý nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên tại các khu vực ưu tiên của 2 vùng đầm phá (vùng Cồn Chim của đầm Thị Nại và 4 xã ven đầm Trà Ổ).
Điểm khác biệt quan trọng nhất của dự án này so với các đề tài, dự án đã được triển khai tại tỉnh trong thời gian qua là đề cao yếu tố cộng đồng trong việc khôi phục và bảo vệ HST vùng đầm phá. Kỹ sư Trần Văn Lang- Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Trưởng ban điều hành dự án, cho biết: “Dự án này có sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân. Mô hình đồng quản lý nghĩa là Nhà nước chủ trương, địa phương đồng lòng và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đã nhiều năm nay, những người dân sống ven đầm đã thấy nguồn sống của họ ngày một suy kiệt dần. Việc làm thế nào để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân là một trong những mục tiêu chính của dự án. Người dân sẽ cùng chung tay, góp sức để khôi phục và bảo vệ HST của đầm. Nghĩa là người dân phải tự thấy bảo vệ HST các vùng đầm phá chính là bảo vệ chính nguồn sống của mình. Việc khôi phục lại HST của 2 vùng đầm này không chỉ góp phần tạo nên một nguồn sống bền vững cho cư dân ven đầm mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc gìn giữ tài nguyên cho các thế hệ con cháu mai sau”.
Được triển khai vào những ngày cuối năm 2008 để tạo đà cho những việc cụ thể sẽ được thực hiện trong năm 2009, dự án hứa hẹn là “cú hích” cho những hoạt động lâu dài và bền vững trong công tác bảo vệ và quản lý các đầm phá của tỉnh. Quan trọng hơn nữa là thông qua dự án này, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm phục vụ cho vấn đề quản lý tài nguyên đầm phá; học hỏi được cách thức quản lý, triển khai dự án để làm cơ sở cho những dự án tiếp theo của địa phương nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững những HST quý giá này.
|