Sự phát triển của mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, các tiến bộ kỹ thuật hồi sức cấp cứu, phương tiện chăm sóc đặc biệt, nỗ lực trong phòng chống nhiễm khuẩn… đã góp phần giảm dần tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (TVSS). Tuy vậy, số trẻ sơ sinh tử vong vẫn còn ở mức cao đang là thách thức của ngành y tế và cộng đồng.
|
Việc kết hợp mô hình Sản - Nhi là cần thiết nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh.
|
* Tử vong do... chuyển viện
Qua nghiên cứu tình hình bệnh tật và TVSS 0-30 ngày tuổi, bác sĩ Trần Thị Tố Anh và các cộng sự ở khoa Nhi, BVĐK tỉnh, nhận thấy số lượng bệnh nhân sơ sinh vào viện ngày càng đông, tỉ lệ tử vong còn cao. Trong 3 năm từ 2006 đến 2008, số bệnh nhân nhi điều trị tại phòng nhi sơ sinh của BVĐK tỉnh chiếm tỉ lệ 14,97% nhưng TVSS lại chiếm tới 75,69% so với tử vong chung của toàn khoa. Tỉ lệ tử vong cao nhất vẫn là sơ sinh cực non (100%), sau đó là bệnh lý về nhiễm trùng huyết (35,67%).
Đáng nói hơn, tỉ lệ TVSS ở trẻ ngoại tỉnh cao nhất, chiếm 21,36%. Bác sĩ Trần Thị Tố Anh, cho rằng, sự di chuyển bệnh nhân sơ sinh càng xa thì nguy cơ tử vong càng cao vì các phương tiện vận chuyển chưa được đảm bảo yêu cầu an toàn đối với trẻ sơ sinh.
Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu về tình trạng TVSS ở các bệnh viện chuyên khoa Nhi. Trẻ sơ sinh là một đối tượng đặc biệt trong chăm sóc và điều trị, rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Khi trẻ sơ sinh bị bệnh rất dễ bị các biến chứng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết… làm bệnh nặng thêm và dễ tử vong. Vì vậy, việc vận chuyển trẻ sơ sinh bệnh lý, non yếu từ tuyến dưới lên tuyến trên đòi hỏi những trang thiết bị y tế chuyên dụng (lồng ấp chuyển viện, các phương tiện hồi sức, cấp cứu…) và phải có nhân viên y tế chuyên sâu, kỹ năng tốt đi kèm.
Nhưng tại Bình Định, việc vận chuyển trẻ sơ sinh bệnh lý từ các bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên chưa đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị và nhân lực. Ở tuyến tỉnh nếu chuyển viện lên tuyến trên hết sức khó khăn do phương tiện chỉ là xe ô tô, không có lồng ấp chuyển viện… Ở tuyến huyện, các bệnh viện cũng chưa có phương tiện vận chuyển sơ sinh phù hợp. Trong khi đó, hầu hết trẻ sơ sinh bệnh lý đưa đến viện đều do gia đình tự lo với xe máy. Với thực trạng trên, nguy cơ tử vong và mắc các biến chứng đối với trẻ sơ sinh khi chuyển viện rất cao.
Bên cạnh khâu chuyển viện, nhân lực cũng là vấn đề đau đầu của ngành y tế. Ở tuyến xã, kỹ năng thực hành của đội ngũ nữ hộ sinh còn yếu dù đã được đào tạo lý thuyết cơ bản. Bác sĩ ở trạm y tế là bác sĩ đa khoa và kỹ năng về hồi sức sơ sinh cũng còn rất hạn chế. Tại tuyến huyện, hiện vẫn còn nhiều Trung tâm y tế (TTYT) thiếu bác sĩ chuyên khoa Nhi nên hồi sức sơ sinh chỉ được thực hiện tại phòng sinh.
Theo qui định của Bộ Y tế, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên phải có khoa Nhi, trong khoa Nhi có đơn nguyên sơ sinh. Nhưng do tình trạng thiếu nhân lực, các bệnh viện huyện chỉ có khoa liên chuyên khoa Nội-Nhi hoặc Nội-Nhi-Lây.
* Hạn chế tử vong ở trẻ sơ sinh
Với những hạn chế nói trên, việc chủ động triển khai các mô hình chăm sóc và cấp cứu trẻ sơ sinh là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Hiện tại, TTYT TP Quy Nhơn và BVĐK Khu vực Bồng Sơn đã có đơn nguyên sơ sinh. Tháng 10.2008, BVĐK tỉnh cũng đã thành lập khoa Nhi sơ sinh ở ngay cạnh khoa Sản. Đây là mô hình riêng của Bình Định với ưu điểm các bác sĩ nhi có thể tham gia hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh và việc vận chuyển trẻ sơ sinh bệnh lý sang khoa Nhi được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.
Đặc biệt, sau rất nhiều nỗ lực, Sở Y tế đã thực hiện tổ chức giao ban giữa khoa Sản và khoa Nhi tại 4 đơn vị: BVĐK tỉnh, BVĐK Khu vực Bồng Sơn, TTYT TP Quy Nhơn, BVĐK Khu vực Phú Phong. Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Đối với trẻ sơ sinh, sự phối hợp giữa các thầy thuốc chuyên khoa Sản và Nhi là tối cần thiết nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong chăm sóc và điều trị”.
Hiện nay, ngành y tế đang tăng cường chỉ đạo, giám sát chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại cộng đồng, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai nhằm tầm soát các yếu tố nguy cơ cho trẻ và giảm tỉ lệ TVSS. Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và mua sắm phương tiện vận chuyển trẻ sơ sinh, đào tạo tùy theo nhu cầu từng tuyến cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh về sơ sinh. Sở Y tế tiếp tục hợp tác với tổ chức VSA và tổ chức Ủy thác Y tế Việt Nam-New Zealand để học hỏi thêm các kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sơ sinh. Mặt khác, Sở cũng đang xúc tiến triển khai các đơn nguyên sơ sinh tại TTYT huyện.
|