Một cô bé 16 tuổi tâm sự với tôi: “Cháu và mẹ cháu như mặt trăng mặt trời, không bao giờ mẹ cháu muốn hiểu cháu. Ba cháu cũng thân với cháu, nhưng chỉ ở mức độ là cháu nhờ việc gì thì ba hoàn thành. Cháu không bao giờ tâm sự được với ba mẹ. Cháu cảm thấy họ giống như một trạm xe buýt. Về nguyên tắc, tới trạm thì xe buýt phải dừng. Nhưng khi không có khách thì xe “vọt” luôn”. Tôi bất ngờ vì sự ví von của cháu, nhưng ngẫm lại, đó là một tâm sự rất thật, nên hơi buồn.
Để làm bạn với con mình, trước hết chúng ta phải dành nhiều thời gian cho con. Dành thời gian không có nghĩa là bỏ hết mọi công việc và chỉ đưa đón, cơm bưng nước rót cho con. Dành thời gian cho con là phải biết con đang nghĩ gì, đang sợ gì, muốn gì. Khi biết con mình đang nghĩ gì, ta mới có thể tâm sự được với con. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ mới lớn suy nghĩ giống mình, làm theo ý mình. Sự uốn nắn, góp ý kịp thời sẽ giúp ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con.
Khi bố mẹ biết con mình nghĩ gì thì sẽ biết con đang sợ gì. Có những đứa trẻ sợ thất bại, nên không dám tham gia bất cứ cuộc thử sức nào. Có những đứa trẻ thiếu tự tin (về hình thức hay kiến thức), nên ngại giao tiếp với mọi người. Không dám chia sẻ thất bại, lúc nào cũng tự ti, buồn bã khiến chúng trầm cảm. Bố mẹ phải gần gũi và nhận biết sớm điều này. Trong trường hợp biết con mình đang lo sợ điều gì đó, bố mẹ không nên chủ quan, cho rằng “lo vớ vẩn”.
Làm bố mẹ, cần biết con mình muốn gì. Ở đây ta không nên hiểu đơn thuần về vật chất. Mỗi lứa tuổi có những ước muốn khác nhau. Ở tuổi teen, trẻ muốn mình là người lớn để có quyền quyết định theo ý mình. Chúng ta cần tôn trọng ý muốn của trẻ, nhưng không hoàn toàn chiều theo ý của con. Bố mẹ phân tích để con hiểu những ước muốn hợp lý và không hợp lý, thực hiện được hay không bao giờ thực hiện được.
Khi chúng ta tìm cho mình một người bạn, ta hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng. Tình bạn đến khi ta tìm được người thông cảm và sẻ chia. Làm bạn với con mình, mọi điều tưởng giản đơn nhưng thực sự là rất khó.
Để làm bạn được với con, ta buộc phải tự hạ cái “ tôi” của mình xuống. Nhiều người bức xúc vì trong công việc, trong cuộc sống, chưa một lần bị ai đó nặng lời hay châm chọc mình. Vậy mà về nhà, đứa con mình mang nặng đẻ đau, chăm chút ngày đêm lại cáu gắt mình chỉ vì mình chưa kịp hiểu ý nó. Chúng ta không thể âm thầm để trẻ gắt gỏng, hay cũng gào lên theo chúng.
Trong trường hợp con mình đang bức xúc, đang không làm chủ được hành vi của mình, bố mẹ nên tìm cách kìm nén. Hãy tạo cơ hội cho chúng thổ lộ nguyên nhân của bức xúc bằng cách gọi con ngồi lại và hỏi han chúng.
Nếu mình sơ suất điều gì thì hãy mạnh dạn xin lỗi con, để chúng cảm nhận sự bình đẳng. Chúng ta không nên áp đặt con cái phải làm theo mình, sống giống mình, suy nghĩ giống mình. Con mình, một con người với những tính cách, tâm tư, tình cảm hoàn toàn độc lập. Chúng có “cái tôi” của chúng nên cha mẹ phải tôn trọng.
. Theo Gia đình net |