|
Hình ảnh sao Kim, sao Mộc "hội ngộ" sáng 2.2. (Ảnh: Hội Thiên văn nghiệp dư TP.HCM). |
Ngày 1.2, từ Trái đất có thể nhìn thấy sao Mộc và sao Kim ở kề bên nhau. Theo các nhà thiên văn, hiện tượng này chỉ xảy ra 3 năm một lần...
GS.TS Nguyễn Mộng Giao một chuyên gia nghiên cứu Vật lý năng lượng cao (Viện Vật lý), cho biết, theo các nhà dự báo thiên văn, vào sáng thứ sáu (1.2) và sáng thứ bảy (2.2), khoảng cách giữa hai hành tinh này khoảng 0,60, lớn hơn đường kính trăng tròn (0,50) một chút. Cuộc “hội ngộ” này ở hướng đông, trước khi mặt trời mọc 45 phút. Sau khi mặt trời đã mọc, vẫn còn có thể nhìn rõ hai vì sao này thêm một thời gian trước khi chúng mờ hẳn.
Rạng sáng 1/2, vị trí sao Kim sẽ nằm trên cao hơn sao Mộc một chút, ngày 2.2, hai vì sao nằm gần như kế cận và dần di chuyển xuống thấp hơn và dần rời xa vào những ngày tiếp theo. Vị trí xuất hiện cuộc hội ngộ đặc biệt này chỉ cao chếch hơn mái nhà khoảng cách không đáng kể.
Trung bình 3 năm, sao Kim và sao Mộc tái “hội ngộ” một lần. Tháng 12 năm nay, vào lúc hoàng hôn, chúng cũng ở gần nhau nhưng không nằm kề như những ngày đầu tháng 2 này.
Ngoài ra, quang cảnh đẹp của bầu trời này còn có sự tham gia của trăng lưỡi liềm cuối tháng. Đặc biệt trong ngày 4.2, ba hành tinh sáng nhất, nhì, ba của bầu trời đêm sẽ nằm rất gần nhau. Toàn bộ quang cảnh này có thể nhìn thấy trong một vòng kính thiên văn, sẽ là cảnh đẹp ấn tượng khó quên với bất kì người yêu bầu trời nào.
Nhìn từ Trái đất, rất dễ nhầm tưởng rằng hai hành tinh này sẽ va vào nhau, nhưng theo GS.TS Nguyễn Mộng Giao, thực chất điều này không thể xảy ra vì nếu tính về khoảng cách, chúng rất xa nhau. Sao Mộc cách xa Trái đất hơn sao Kim đến 4,5 lần.
GS.TS Nguyễn Mộng Giao nói, với những người yêu bầu trời, đây là một quang cảnh đẹp, ấn tượng vì hiếm khi gặp. Với các nhà nghiên cứu khoa học thiên văn, đây là một cơ hội lý thú. Từ đó, tiếp tục quan sát những hiện tượng các hệ hành tinh lúc gần nhau nhất để tích lũy thêm các số liệu, dần xác định ảnh hưởng của các hành tinh này lên Trái đất và ảnh hưởng lẫn nhau trong hệ Mặt trời khi có hiện tượng này.
"Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng Trái đất chưa chịu ảnh hưởng gì từ sao Mộc, sao Kim... ngoài Mặt trăng và Mặt trời. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể có những ảnh hưởng nho nhỏ, tinh tế tới mức chúng ta chưa thấy và cần tiếp tục quan sát".
. Theo VNN
Sao Kim (Venus) là hành tinh gần Trái đất nhất và sao Mộc (Jupiter) là hành tinh lớn nhất của hệ Mặt trời. Lần hội ngộ gần nhau nhất của hai hành tinh này vào tháng 11.2004. Trong tương lai, lần gần nhất sẽ trong năm 2011. Chu kì này diễn ra 3 năm /lần.
Nhìn qua kính thiên văn, chúng ta có thể thấy đĩa sáng của sao Mộc lớn hơn đĩa sáng sao Kim tới gần 3 lần. Xét về kích thước thì đường kính của sao Mộc gấp 12 lần so với sao Kim. |
|