|
Một người dùng Internet Ai Cập cố gắng vào mạng trong vô vọng. |
Tình hình đứt cáp tại các quốc gia Vùng Vịnh và Ai Cập càng trở nên tồi tệ, khi người ta phát hiện có thêm một đường cáp ngầm dưới biển nữa bị hư hỏng nặng.
Theo lời Liên minh Viễn thông Ấn Độ, trục cáp Falcon tại điểm cách Dubai 35 dặm đã bị đứt, khiến cho dịch vụ Internet tại nước này chỉ còn 20% leo lét hoạt động.
Một tàu sửa chữa khẩn cấp đã nhận được lệnh "ra khơi" và dự kiến sẽ đến hiện trường trong vài ngày tới.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân
Cho tới thời điểm này, người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây đứt cả 3 trục cáp FLAG, SEA-ME-WE4 và Falcon.
Báo chí Ấn Độ đưa tin rằng một con tàu đã vô tình thả neo trúng trục cáp FLAG, tuy nhiên, các quan chức viễn thông của Ai Cập vẫn bỏ ngỏ nhiều khả năng khác.
Sự cố đứt cáp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên ngành công nghiệp outsourcing - xương sống của nền kinh tế IT Ấn Độ. Các doanh nghiệp cho biết họ có thể phải mất tới 2 tuần mới có thể trở lại hoạt động bình thường.
Thị trường outsourcing Ấn Độ có doanh thu lên tới 11 tỷ USD mỗi năm, thu hút gần 1250 doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia, đảm nhận đủ mọi phần việc từ trực tổng đài cho đến xử lý thông tin thẻ tín dụng.
Với lực lượng nhân sự khoảng 700.000 người, ngành công nghiệp outsourcing Ấn Độ chủ yếu phục vụ các khách hàng tại Mỹ và châu Âu.
Ngoài Ấn Độ, hai quốc gia Nam Á khác là Pakistan, Bangladesh và nhiều nước vùng Vịnh như Arập Xê-út, Kuwait, Bahrain cũng chứng kiến cảnh Internet tê liệt nghiêm trọng.
Lại lộ tử huyệt
Hiện tại, các ISP lớn trong khu vực đã tìm cách điều dẫn một phần dung lượng Internet sang trục cáp Thái Bình Dương để sang Mỹ.
Chính vì thế, một số người dùng Internet tại Việt Nam có thể ghi nhận hiện tượng tốc độ truy cập mạng quốc tế trong một vài ngày gần đây bị chậm lại. Dịch vụ chat của Yahoo thường xuyên bị rớt, gây ra khá nhiều phiền toái.
Mục tiêu của các ISP Ấn Độ là khôi phục 80% dịch vụ trước khi tuần làm việc mới bắt đầu. Một số người dùng cho biết chất lượng kết nối đã được cải thiện đáng kể so với ngày đầu tiên xảy ra sự cố.
"Chúng tôi đã nhận và gửi được email", ông Praveen Mathur của hãng tư vấn đầu tư Streit India Advisory cho biết.
Tuy nhiên, tình hình tại Ai Cập không được sáng sủa như vậy. Đến hết ngày thứ sáu, kết nối Internet ở nước này vẫn còn rất chập chờn hoặc bị "chết" hoàn toàn.
Sự cố tại Trung Đông một lần nữa lại vạch rõ tử huyệt của Internet toàn cầu. Còn nhớ cuối năm 2006, cả châu Á đã phải hứng chịu gần 2 tháng Internet chập chờn hoặc tê liệt sau khi trục cáp ngầm gần đảo Đài Loan bị đứt do động đất.
. Theo VNN |