Một loạt thí nghiệm cho thấy rau lớn vọt nhờ "thần dược"
11:51', 26/2/ 2008 (GMT+7)

Cây xà lách phun thuốc kích thích tăng trưởng có lá dài 26 cm.

Chỉ sau 3-4 ngày phun thuốc kích thích, cây xà lách lớn vọt gấp 3 lần so với cây không dùng thuốc. Kết quả trên được thể hiện rõ qua các thí nghiệm công phu của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, tiến hành tại làng Thọ Giáo, xã Tân Minh, Thường Tín, Hà Tây.

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải - còn được gọi là ông già ozôn, người đã giúp bà con nông dân nhiều nơi bảo quản thành công rau màu, hoa quả và hải sản bằng các sáng kiến đơn giản - đã tiến hành thí nghiệm nhằm kiểm định những tin đồn hồi trước Tết về tác dụng "thần kỳ" của thuốc kích thích tăng trưởng trên thực vật.

Thí nghiệm được lặp lại nhiều lần, trên nhiều luống rau, và vào những thời điểm khác nhau, trong đó có 2 lần vào đợt rét đậm của miền Bắc, 1 lần kéo dài từ đợt rét sang ấm, và 1 lần vào những ngày ấm (bắt đầu từ 22.2).

Cây thí nghiệm gồm xà lách hè, cải cúc, ngải cứu. Lá và thân cây được đo chiều dài ở nhiều thời điểm, gồm: trước lúc phun thuốc kích thích tăng trưởng, sau đó vài ngày và lúc kết thúc thí nghiệm.

Loại thuốc kích thích tăng trưởng được dùng là của Trung Quốc, người dân vẫn gọi là "viên sủi", vốn được chỉ định dùng cho lúa nước và mạ. Thuốc phun 1 lần duy nhất trong mỗi thí nghiệm, phun với nồng độ đặc như nông dân vẫn làm.

"Tôi phải làm thí nghiệm nhiều lần, trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, trên số lượng lớn hàng trăm cây và đo đếm lá cụ thể nhằm cho ra kết quả chính xác và khách quan", ông Khải nói.

Cụ thể, ngày 5.2, trời rét đậm, tất cả các cây xà lách ươm đều có lá dài 2,5-4 cm. Tiến sĩ Khải cho phun thuốc kích thích tăng trưởng ở một đầu luống rau, còn đầu kia không phun. Đến ngày 22.2, trời đã ấm lên một ngày. Ở đầu luống rau không phun thuốc tăng trưởng, lá cây xà lách chỉ dài từ 5 đến 7 cm, trong khi ở đầu luống có phun thuốc, nhiều cây có lá dài 20-26 cm, tức là gấp 3-4 lần so với nhóm kia.

Hai nhóm rau xà lách này cũng có khác biệt rõ rệt cả ở hình dáng và màu sắc. Rau phun thuốc có lá thuôn dài, màu xanh nhạt hơi trắng. Lá không phun hình tròn, xoăn hơn và màu xanh đậm hơn. Vị của rau cũng thay đổi.

Kết quả tương tự cũng được ghi nhận trên rau cải cúc và ngải cứu, thực hiện trong thời gian thí nghiệm tương tự rau xà lách.

Đợt thí nghiệm thứ 2 hoàn toàn trong đợt nắng ấm, bắt đầu phun thuốc từ hôm 22.2 và đo kết quả hôm 24-25.2. Trên xà lách: Sự chênh lệch về tăng trưởng giữa nhóm có phun và không phun còn lớn hơn so với thí nghiệm trên. Ở ngải cứu: luống không phun thuốc dài thêm 3 cm, trong khi nhóm có phun dài thêm 10-14 cm. Với kinh giới: Luống có phun thuốc cao gấp đôi nhóm không phun.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, dù với loại rau nào, thuốc kích thích tăng trưởng đều làm rau lớn nhanh, và lớn nhiều", tiến sĩ Khải nói.

Cũng theo ông Khải, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu tác động của loại thuốc kích thích tăng trưởng trên đối với sức khỏe con người. "Với cách phun tùy tiện của người nông dân hiện nay vì ích lợi trước mắt, có thể gây hại khó lường với người tiêu dùng", ông nói.

"Bộ Nông nghiệp không nên công bố tên thuốc kích thích, vì người dân sẽ bắt chước sử dụng", ông Khải bày tỏ thêm.

Tuy nhiên, kết quả trên lại trái ngược với thí nghiệm của Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) Hà Nội. Cùng thời kỳ với thí nghiệm của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Cục BVTV và Sở Nông nghiệp Hà Nội đã yêu cầu Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội làm thí nghiệm nhanh trên xà lách (lúc trời rét đậm) để tìm hiểu tác dụng của thuốc kích thích tăng trưởng. Sau 4 ngày, kết luận của Chi cục là: rau phun thuốc kích thích tăng trưởng không lớn hơn đáng kể so với rau không phun thuốc, mà chỉ có lá sẫm màu hơn một chút.

Nhiều ý kiến đã tỏ ra không đồng tình với Chi cục BVTV Hà Nội cả về điều kiện làm thí nghiệm (quá lạnh) lẫn số mẫu ít ỏi.

"Thí nghiệm của Chi cục BVTV Hà Nội cho kết quả không khác biệt giữa hai loại rau có phun và không phun thuốc là vì thời tiết lúc đó quá lạnh, bình thường cây cũng không lớn nổi", ông Khải nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Sĩ Doanh, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng "thí nghiệm của Chi cục BVTV Hà Nội chỉ là thí nghiệm nhanh, định tính, và có ý kiến cho rằng làm vào thời điểm rét đậm lúc cận Tết là chưa hợp lý vì cây sẽ sinh trưởng chậm. Vì thế, Bộ Nông nghiệp đã chủ trương sẽ làm thí nghiệm quy mô lớn hơn tại 3 miền trên toàn quốc để có đánh giá toàn diện".

Ngay trong sáng 25.2, Cục Bảo vệ thực vật đã trình lên Bộ Nông nghiệp và PTNT đề cương về kế hoạch thí nghiệm này, nhằm xác định lại ảnh hưởng của thuốc kích thích tăng trưởng thực vật tại 3 vùng sản xuất có khí hậu khác nhau, đại diện cho 3 miền: Hà Nội (miền Bắc), Quảng Ngãi (miền Trung) và TP HCM (miền Nam).

Theo đó:

- Sẽ tiến hành thí nghiệm trên rau cải, là loại rau có mặt ở cả 3 miền

- Mỗi điểm thí nghiệm trên diện tích 50 m2, nhắc lại 3 lần.

- Phun thí nghiệm 3 loại thuốc kích thích: 2 loại ngoài danh mục và 1 loại trong danh mục được cho phép sử dụng để so sánh. Một ô thí nghiệm không phun thuốc để đối chứng.

- Mỗi loại thuốc phun 2 liều: tối đa theo khuyến cáo và gấp đôi theo khuyến cáo.

- Trong mỗi thí nghiệm, các chuyên gia sẽ kiểm tra những yếu tố sau: Hiệu lực sinh học (khả năng kích thích tăng trưởng), chất lượng nông sản (hàm lượng chất khô, protein, vitamin C và một số chất khác như N, P,K)

- Ở từng thời điểm sẽ lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc còn lại trên rau.

Ông Doanh cho biết dự kiến các thí nghiệm sẽ được làm từ tháng 3 đến tháng 6, do các Viện hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này thực hiện và phân tích, kiểm tra.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thức ăn hữu cơ không bổ hơn thức ăn thường  (25/02/2008)
Tại sao trên núi phải đi theo đường ziczac?  (25/02/2008)
Microsoft "tặng không" 5GB cho người dùng  (25/02/2008)
Băng ở Nam Cực trôi nhanh về phía biển  (25/02/2008)
Ứng dụng thuật toán ảo trong chữa bệnh ung thư  (24/02/2008)
Phát triển mới vắc-xin bệnh cúm  (24/02/2008)
Ghế ngồi ngăn học sinh nghịch ngợm  (22/02/2008)
Thực hiện thành công ca đại phẫu nối nhiều đoạn ruột  (22/02/2008)
Cắt giảm muối có thể giúp trẻ em thon thả hơn  (21/02/2008)
Béo phì là 'đường tắt' dẫn đến ung thư  (21/02/2008)
Những thử nghiệm đầu tiên  (21/02/2008)
Sao Thổ gặp Mặt Trăng đúng tiết Nguyên Tiêu (21.2)  (20/02/2008)
Âm nhạc giúp cải thiện khả năng phục hồi của bệnh nhân đột quị  (20/02/2008)
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần đã từng cứu Christopher Columbus cách đây 5 thể kỉ sắp sửa xuất hiện trở lại  (20/02/2008)
Vật liệu hút CO2 từ ống khói  (19/02/2008)