Hóa thạch của một con “quái vật biển” 150 triệu năm tuổi dài 15m phát hiện ở vùng Bắc Cực thuộc Na Uy vào hôm qua (28.2) là hóa thạch sinh vật biển lớn nhất từ trước đến nay đối với giới khoa học.
Con vật này có những cái răng sắc nhọn giống như dao găm và một cái miệng rộng đủ để táp gọn một chiếc ô tô nhỏ. Hàm dưới của nó rộng khoảng 3m. Chỉ riêng một chân chèo trước của nó cũng đã dài 3m.
Joem Hurum, nhà cổ sinh vật học của Viện bảo tàng lịch sử quốc gia Na Uy ở Oslo nói: “Đó là một loài thằn lằn khủng long (pliosaur) mới và được chứng minh là lớn nhất hiện nay”. Ông Hurum là người đã chỉ huy đoàn khảo cổ tiến hành khai quật hóa thạch con vật biển khổng lồ này tại quần đảo Svalbard, cách Bắc Cực 1.300m.
Viện bảo tàng này cho biết pliosaur là loài săn mồi sống ở biển hàng đầu thuộc kỉ Jura. Con mồi của chúng là mực, mực tuộc, cá và nhiều loài bò sát biển khác.
Phát hiện này chứng tỏ loài vật khổng lồ này đã từng sống ở vùng biển phía bắc của hành tinh chúng ta vào thời kỳ khủng long.
Kỷ lục hóa thạch pliosaur lớn nhất trước đây thuộc về hóa thạch tìm thấy ở Australia với chiều dài khoảng 10m.
Viện bảo tàng lịch sử quốc gia Na Uy đã lên kế hoạch tiếp tục khai quật hóa thạch đầu và xương của một con pliosaur khổng lồ khác nằm gần con “quái vật biển” mới phát hiện vào giữa tháng 8 sắp tới.
|