Một số loài vật trong tự nhiên có một “nghệ thuật tra tấn” khủng khiếp đối với các con mồi hoặc những nạn nhân của chúng.
Sau đây là danh sách 10 loài vật cắn hay đốt đau nhất. Một số con có thể gây ra chết người. Một số khác thì không. Tuy nhiên, tất cả 10 con vật này đều đáng phải tránh xa.
1. Kiến “đạn”
Loài côn trùng này chỉ dài khoảng 25,5cm nhưng chúng đốt rất đau, đau nhất trong số tất cả các loài côn trùng. Khi bị đốt, nạn nhân cảm thấy giống như bị một viên đạn bắn xuyên qua. Chính vì vậy, loài kiến này mới có cái tên lạ là kiến “đạn”. Suốt 2-3 tiếng đồng hồ sau khi bị đốt, họ sẽ trải qua sự đau đớn như thể có ai đó cầm gậy đập nhừ cơ thể họ; như thể họ đang đi qua một đống than hừng hực cháy với một chiếc đinh rỉ dài hơn 75cm đóng vào gót chân.
Nhà côn trùng học Justin Schmidt, giám đốc của Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nam (Mỹ) đã tự mình trải nghiệm nhiều cấp độ đau đớn do nhiều loại côn trùng khác nhau gây ra nhằm xây dựng nên một chỉ số đau đớn do côn trùng đốt- chỉ số Schmidt. Kiến “đạn” xếp đầu bảng trong chỉ số đó.
Tuy đốt rất đau nhưng may thay kiến “đạn” không gây ra thương tích suốt đời cho các nạn nhân. Chính vì vậy, một bộ lạc thổ dân ở Nam Mỹ đã dùng kiến “đạn” để rèn luyện tính can đảm cho các chàng trai trong bộ lạc của mình. Các thanh niên này phải đeo găng tay hở ngón đặc biệt có hàng trăm con kiến “đạn” bu quanh. Họ phải chịu đựng màn khổ luyện đó trong vòng 10 phút và phải trải qua 20 lần lặp lại như thế.
2. Sứa “hộp”
Con vật trong suốt này là một tai ương thực sự ở các bãi biển nhiệt đới. Các xúc tu dài khoảng 3m của nó có thể phóng ra vô số những cái gai nhỏ đâm vào da nạn nhân. Mỗi một cái gai nhỏ đó có chứa nọc vô cùng độc, có thể gây chết người và đồng thời gây bỏng rát, đau đớn tột độ.
Theo tiến sĩ Joseph Burnett, cố chủ tịch khoa da liễu thuộc phân khoa Dược của trường đại học Maryland (Mỹ), sự đau đớn do kiến “đạn” đốt không thể nào so sánh được với sự đau đớn do sứa “hộp” gây ra.
Nếu lỡ bị vướng vào sứa “hộp” trong lúc đang bơi ở biển, bạn có thể sẽ bị nó dùng các xúc tu quấn chặt. Nọc độc cực mạnh của nó sẽ khiến cho bạn bị sốc và cuối cùng là bị chết đuối.
Thức ăn ưa thích của sứa “hộp” là tôm. Dĩ nhiên, con vật này không sản sinh ra nọc độc để tấn công con người mà là để bắt con mồi ưa thích của nó. Vì tôm thường giãy giụa khi bị bắt và dễ gây thương tích cho con vật mỏng manh này nên sứa “hộp” cần phải giết con mồi càng nhanh càng tốt.
3. Rắn chuông và họ hàng của nó
Nếu chẳng may bạn bị một con rắn vipe, một loại rắn độc thường thấy ở châu Á, châu Phi và châu Âu, cắn phải, bạn sẽ cảm thấy như bị một que hàn đâm vào và nung âm ỉ trong vòng ít nhất là 3 ngày mới dần dần thuyên giảm cơn đau. Rắn chuông, một loài rắn thuộc họ hàng rắn vipe, cũng cắn đau như vậy.
Sở dĩ họ hàng nhà rắn này cắn đau vì trong nọc của chúng có chứa chất độc hủy hoại tế bào. Nó làm cho thành tế bào bị tan ra và gây chảy máu bên trong. Khi nọc chạy khắp cơ thể, cơn đau sẽ hành hạ bạn giống như đã mô tả ở trên.
4. Cá đuối “điện”
Mặc dù loài cá đuối này không hung dữ và độc nhưng trong một vài trường hợp hiếm hoi, chúng trở nên là “chúa tể của những cơn đau”. Đó là vì chúng có gai độc. Khi bị dẫm phải hay khi bị đe dọa, chúng sẽ phóng ra những cái gai sắc nhọn hình răng cưa từ cuối đuôi của mình. Nạn nhân sẽ thấy như bị một cái đinh dày cỡ 8 đồng xu đóng vào mình. Đồng thời, vết thương cũng mang nhiều vi khuẩn, vi trùng. Trên bề mặt của vết thương, chất độc sẽ tiết ra làm nạn nhân thấy đau ngay tức thì.
5. Bọ cạp
Có hàng ngàn họ bọ cạp khác nhau. Phần lớn trong số chúng đều có nọc độc. Nhiều họ bọ cạp chỉ đốt đau cỡ như ong hay ong bắp cày. Một số họ khác có thể gây đau đớn kinh khủng.
Những loại bọ cạp này thường sống ở châu Á và châu Phi. Nó không những chích đau mà còn rất nguy hiểm. Khi bạn chẳng may bị nó chích ở ngón tay, cơn đau sẽ lan dần đến các sợi thần kinh và làm tê liệt hệ thần kinh tại chỗ bị chích. Đừng dại dột tìm cách cạo nọc hay chạm mạnh ngón tay vào một thứ gì vì cơn đau sẽ tăng mạnh mãi không thôi.
Một nhà côn trùng học đã phải dùng morphine giảm đau liên tục như ăn kẹo và dùng gần hết số morphine đó sau khi bị bọ cạp chích.
6. Rắn mang bành
Nọc của loài rắn này rất độc vì nó khiến nạn nhân bị ngưng thở. Tuy nhiên, thực sự nọc độc đó không đau nhiều trừ phi bạn để nó dính vào mắt.
Rắn mang bành là bậc thầy trong việc tấn công vào mắt kẻ thù. Nọc của nó chứa hỗn hợp chất độc làm tê liệt thần kinh, hóa chất phá hủy tế bào và một hợp chất gây đau khiến mắt của kẻ thù sẽ bỏng rát và bị mù.
Một nạn nhân của rắn mang bành kể anh chỉ có một cách duy nhất làm giảm cơn đau là nhỏ sữa vào mắt mình 15 phút/lần. Anh tạm thời không thấy gì trong khoảng thời gian 4-6 giờ.
Khi bị tấn công, rắn mang bành có thể phóng nọc xa 1,2m-2,4m.
7. Ong bắp cày
Loài ong có màu sắc sặc sỡ và sống cô độc này dùng nọc của mình làm tê liệt loài nhện lông to lớn để làm thức ăn cho con non của chúng chứ không dùng nọc vào mục đích tự vệ.
Theo bảng chỉ số Schmidt, sự đau đớn do bị ong bắp chích chỉ xếp thứ hai sau kiến “đạn”. Nạn nhân sẽ la hét và giãy giụa trong đau đớn; cảm giác như thể tất cả mọi tuyến trong cơ thể bị lọc sạch hết tất cả hormone và thật sự kiệt quệ mọi sức lực.
Ong bắp cày mẹ đẻ duy nhất 1 trứng trên cơ thể lờ đờ của con nhện bị tiêm nọc độc. Ấu trùng non háu đói sẽ xơi sạch con mồi ngắc ngoải để lớn.
8. Cá đá
Nếu xét về khả năng gây đau đớn và gây chết người thì con cá có bề ngoài sù sì, thô kệch này sẽ giành ngôi vị quán quân.
Loài cá đá này sống ở các vùng nước nông có nhiều đá lởm chởm thuộc biển nhiệt đới. Chúng có vài cái ngạnh vô cùng sắc nhọn ở dọc lưng. Những con mồi lơ đãng dễ nhầm tưởng chúng với một tảng đá hay một rạng san hô nên đâm vào chúng. Khi đó, các ngạnh nhọn sẽ đâm thủng da con mồi và tiết ra một loại nọc độc chết người.
Nhiều người đã phải cắt bỏ chi bị hoại tử sau khi vô tình dẫm phải cá đá. Một nạn nhân hơn 20 tuổi khỏe mạnh kể lại: “Ong đốt không thấm vào đâu so với bị cá đá châm. Tưởng tượng như từng khớp xương, cổ tay, cùi chỏ, vai bị búa tạ quai vào trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, tưởng tượng tiếp như có ai đó đá thục mạng vào thận liên tục 45 phút khiến bạn không thể đứng lên hay thẳng người ra được. Vài năm sau, cơn đau thận vẫn tái diễn định kì”.
9. Nhện đen “góa phụ”
Khoảng 95% các vết cắn của nhện là vô hại và không gây đau đớn. Nhưng, nếu bạn chẳng may bị một con nhện đen “góa phụ” to lớn và khỏe mạnh cắn vào chỗ da mỏng thì chuyện xảy ra sẽ hoàn toàn khác.
Ban đầu, bạn sẽ chẳng thấy đau đớn vì vết cắn của chúng nhỏ. Nhưng, 1 tiếng rưỡi đồng hồ sau, khi chất độc ngấm vào các cơ trong cơ thể, nạn nhân sẽ cảm thấy từng cơn đau thắt chạy khắp người. Nó giống như tất cả các cơ đều vặn xiết hết cỡ cùng một lúc. Cơn đau sẽ không buông tha trong vòng vài ngày.
Loài nhện độc này có mặt ở khắp nơi thuộc miền nam nước Mỹ. Điều may mắn là chúng chẳng mấy khi rời khỏi mạng nhện của mình.
10. Kì đà quỉ
Loài bò sát chậm chạp ở miền tây nam nước Mỹ nào cắn đau lạ lùng. Một nạn nhân nhớ lại: “Ngón tay (bị cắn) của tôi như bị lửa đốt. Ngọn lửa đó lan chầm chậm vào trong người. 5 phút sau, người tôi xanh tái và tôi bị sốc. Tôi bị đau ở thận và đi tiểu ra máu. Tất cả các cơ vòng trong người tôi đều cố giãn ra. Con kì đà đó đã cắn vào ngón tay tôi cả thảy 5 phát. Mỗi phát cắn của nó đau đến tận xương tủy”.
Vì sao kì đà quỉ cắn đau đến vậy?
Lý do đầu tiên là vì chúng có hàm răng rất nhọn. Mỗi cái răng dài khoảng 6 millimet. Khi đã cắn thì chúng không bao giờ chịu nhả.
Thứ hai, kì đà quỉ có nọc độc “đặc hiệu”. Nọc này chứa toàn hợp chất phá hủy collagen và màng tĩnh mạch. Nó gây bỏng rát, đau đớn liên tục không ngừng. Khi cơn đau lên mức tột độ, nạn nhân có thể bị đổ mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa và hạ huyết áp.
Dù nọc độc của kì đà quỉ là tai họa cho người này nhưng nó lại là cứu tinh cho người khác. Các nhà khoa học đã sử dụng nó để sản xuất một loại thuốc mới có tên là Byetta chữa trị bệnh tiểu đường type 2.
|