Mũ bảo hiểm cách điệu có thể làm bị thương người đội
16:26', 19/3/ 2008 (GMT+7)

Chọn mũ có vành để hợp thời trang và che nắng.

Một phụ nữ ở quận Phú Nhuận, TP HCM, vừa phải vào viện khâu 5 mũi vì bị vành mũ bảo hiểm cách điệu vỡ đâm toét mặt khi ngã. Trong khi nhiều chị em và cả quý ông rất ưa chuộng loại mũ bảo hiểm này, thì các chuyên gia cảnh báo về độ an toàn của nó.

Đi xe tay ga đắt tiền, mặc quần áo hiệu, nhóm sinh viên Thành Nam, Văn Nhân, Hải Hiếu trường Đại học Sài Gòn quyết định làm cuộc "cách mạng" mũ bảo hiểm bằng cách chọn 3 chiếc điệu đà với giá mỗi cái 250.000 đồng. "Biết mũ không có tem nhưng trông chúng rất đẹp, mát nữa", Nam nói.

Dũng, một họa sĩ tại quận 3 đang là chủ sở hữu "con" vespa cổ trông rất ngầu, cũng chọn mua một chiếc mũ bảo hiểm phá cách theo kiểu nhà binh, có phủ lưới bên ngoài cùng với lớp vải rằn ri. "Cái mũ này không có tem kiểm định nhưng phù hợp với chiếc xe và cũng chẳng thấy công an chặn hỏi", Dũng nói và cho biết không khó để tìm loại mũ như thế tại TP HCM.

Một số bạn trẻ khác dù không có xe đẹp, không cầu kỳ thời trang nhưng thấy người khác đội mũ biến tấu không bị xử phạt mà mũ lại nhỏ gọn, mát nên cũng chọn mua.

Theo chủ các cửa hàng bán mũ bảo hiểm, loại cách điệu đang là mốt của giới trẻ. So với mũ bảo hiểm chuẩn, hàng biến tướng bán đắt gấp 2 lần.

Ghi nhận của phóng viên VnExpress, tại TP HCM, thị trường mũ bảo hiểm có hơn 60% là loại cách điệu. Theo chủ một cửa hàng mũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nếu cách đây 2 tháng chỉ có loại rộng vành kiểu tai bèo bằng nhựa dành cho nữ, thì nay các “nhà thiết kế” đã đánh trúng tâm lý người mua bằng cách sáng tạo nên đủ các kiểu mũ mà nếu chỉ mới nhìn qua không ai nghĩ đó là mũ bảo hiểm.

Loại mũ này đa dạng hình thức, từ lưỡi trai phủ vải đến dạng cao bồi rộng vành phủ da hoặc vành vải rộng… Một số mũ vốn đúng chuẩn nhưng do nhu cầu của khách (nhất là nam giới), các “chuyên gia” đã cắt gọt sao cho kích cỡ chỉ bằng chiếc nón vải để trang trí. Phần mũ bảo hiểm vì thế chỉ che được chóp đầu.

Tất cả đều gọn đẹp nhưng không cái nào ghi rõ tên công ty sản xuất cũng như bảng công bố thông số an toàn của mũ. Hầu hết có mang tem kiểm định CS (nhà sản xuất tự công bố chất lượng). Tuy nhiên theo lời một người chuyên bỏ mối mũ bảo hiểm “dạo” tại quận 5, loại tem này muốn bao nhiêu cũng có.

Phân tích tính an toàn của mũ, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM Trương Văn Việt cho biết, mọi vật cản như vành mũ bằng nhựa, bọc vải, ốc vít nhô ra ngoài nón đều có nguy cơ gây chấn thương cho người đội. Mũ càng láng tròn càng giảm lực va đập khi bị ngã.

Cũng theo bác sĩ Việt, trong các loại hình mũ bảo hiểm, mũ có thiết kế càng kín đáo, che cả hàm, càng an toàn. Mũ quá gọn chỉ che nửa đầu tuy thoáng mát nhưng khi xảy ra tai nạn sẽ không bảo vệ được mặt và phần xương hàm của người đội.

Đứng ở góc độ kỹ thuật, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 Hoàng Lâm cũng khẳng định, hầu hết loại mũ bảo hiểm trên thế giới đều có hình dạng bo tròn để tránh những tai nạn đáng tiếc như phần nhô ra bị vỡ đâm vào mắt, mũi.

Cũng theo ông Lâm, sở dĩ mũ cách điệu vẫn tồn tại trên thị trường là vì Việt Nam chưa có quy định hiện hành đề cập đến hình thức khác thường của mũ bảo hiểm. "Tuy nhiên trước nguy cơ gây họa của loại mũ này, chúng tôi đã có đề xuất lên Tổng cục đo lường chất lượng để xem xét chấn chỉnh quy định", ông Lâm nói.

Trước khi có quy định mới, ông Lâm khuyến cáo người dân nên ý thức được sự an toàn và tính năng chính của mũ để chọn loại phù hợp, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ăn kiêng có lợi cho người viêm khớp  (19/03/2008)
Số trường hợp mắc sốt rét giảm nhưng chưa bền vững  (19/03/2008)
Nam giới ngủ dưới 5 tiếng/ngày dễ bị béo phì và đái đường  (18/03/2008)
Từ điện thoại không lời đến xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ- không còn là ước mơ xa vời  (18/03/2008)
Thế giới phẳng và công dân toàn cầu  (18/03/2008)
Tổ chức phun hóa chất phòng chống bệnh thủy đậu  (18/03/2008)
Triển vọng ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư  (17/03/2008)
Không tiêm phòng thủy đậu, 90% có nguy cơ mắc bệnh  (17/03/2008)
Người dân nên thận trọng trong việc sử dụng mắm tôm, rau sống, thức ăn đường phố  (17/03/2008)
431 trường hợp mắc bệnh thủy đậu  (17/03/2008)
Kính thiên văn tự chế lớn nhất Việt Nam  (16/03/2008)
Bệnh tiêu chảy cấp lại xuất hiện ở Hà Nội  (15/03/2008)
Phát hiện gene kiểm soát bệnh ung thư vú  (14/03/2008)
Vitamin D giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường type I ở trẻ  (14/03/2008)
Vì sao đội bóng áo đỏ thường chiến thắng?  (13/03/2008)