SỐT RÉT Ở MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN:
Vẫn là mối đe dọa lớn !
7:50', 20/3/ 2008 (GMT+7)

Mặc dù số bệnh nhân sốt rét (SR) và tử vong sốt rét (TVSR) ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã “hạ nhiệt” so với trước, nhưng các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục cảnh báo các tỉnh thuộc khu vực này về nguy cơ bệnh có thể gia tăng và bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là ở các vùng trọng điểm SR.

 

Khám, điều trị và cấp phát thuốc phòng chống sốt rét cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh). Ảnh: Thu Hiền

 

* Càng giảm... càng lo!

Những năm trước đây, tỉ lệ bệnh nhân mắc và TVSR ở miền Trung-Tây Nguyên luôn cao và dai dẳng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình người mắc bệnh SR ở khu vực này có xu hướng giảm.

Năm 2007 được đánh giá là khá thành công đối với hoạt động phòng chống SR. Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn, cả 15 tỉnh, thành trong khu vực chỉ có 25.893 bệnh nhân SR, giảm 32,48% so với năm 2006. Trong đó, các tỉnh, thành có tỷ lệ bệnh nhân SR giảm nhiều là Bình Định (50,23%), Gia Lai (57,41%), Thừa Thiên Huế (31,68%), Quảng Ngãi (37,82%), Bình Thuận (39,42%)… Đặc biệt, khu vực 4 tỉnh Tây Nguyên lâu nay được xem là một điểm nóng SR lưu hành của cả nước với số người mắc bệnh và tử vong cao thì nay đã giảm đáng kể: Gia Lai (57,41%), Đắc Lắc (47,94%), Đắc Nông (38,56%) và Kon Tum (20,23%).

Năm 2007 cũng là năm đánh dấu hiệu quả trong công tác phòng chống SR của khu vực này khi chỉ còn 8/15 tỉnh, thành có TVSR. Phân tích trên toàn khu vực, số TVSR giảm từ 25 ca năm 2006 xuống còn 13 ca.  

Tuy nhiên, tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, lại phân tích: “Nhìn những chỉ số có chiều hướng giảm dần như trên, chúng ta vẫn chưa thể hết lo, thậm chí số bệnh nhân SR và TVSR càng giảm thì… càng lo! Bởi trên thực tế, số mắc và TVSR ở khu vực vẫn chưa bền vững, chiếm gần 50% và 80% trong tổng số trường hợp của cả nước, trong khi đó các nguyên nhân dẫn đến TVSR so với các năm trước vẫn chưa được cải thiện đáng kể”.

* “Ẩn số” dân di biến động

Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh SR ở khu vực này có nguy cơ gia tăng bất cứ lúc nào: nguồn bệnh (cụ thể là ký sinh trùng SR) tập trung trong dân cao; công tác kiểm soát bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở chưa chặt chẽ và mới ở mức cấp thuốc thay vì theo dõi điều trị bệnh nhân; thời tiết diễn biến bất thường làm cho muỗi và ký sinh trùng SR có điều kiện phát triển mạnh.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những yếu tố chi phối, ảnh hưởng tới sự lan truyền bệnh SR. Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Các rối loạn thiếu Iôt tỉnh Bình Định, cho biết: “Nan giải nhất trong công tác phòng chống SR ở tỉnh ta nói riêng và khu vực nói chung là tình trạng di dân tự do. Trong 2 tháng đầu năm nay, ở Bình Định cũng có 1 trường hợp mắc SR ác tính không phải là dân ở vùng SR lưu hành mà là dân di biến động từ các tỉnh Tây Nguyên về”.

Điều này cũng được chứng minh thuyết phục trên cơ sở các đề tài nghiên cứu về SR. Ở tỉnh ta, qua đề tài nghiên cứu khoa học “Tình hình điều trị bệnh SR tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước trong 5 năm 2001-2005”, bác sĩ Trương Văn Kỳ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước cũng có kết luận: phần lớn bệnh nhân mắc SR đều có thời gian đi vào vùng dịch tễ SR (chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên), không có bệnh nhân nào ở tại địa phương, kể cả các xã miền núi.

Trong khi đó, ở một số tỉnh trong khu vực như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum lại có đường biên giới chung Việt-Lào, Việt-Campuchia nên đã tạo ra một lượng cư dân biến động rất lớn. Phân tích trong số 13 trường hợp TVSR năm 2007 của các tỉnh trong khu vực cũng cho thấy, 12/13 trường hợp TVSR là do đi rừng, ngủ rẫy và di cư tự do (92,30%). Điều này chứng tỏ, vấn đề dân di cư tự do vẫn là “ẩn số” chưa có lời giải trong phòng chống SR.

* Thách thức mức giảm bền vững

Hiện nay, công tác phòng chống SR vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt với mức giảm bệnh nhân và TVSR một cách bền vững. Trong khi mạng lưới y tế cơ sở không thể kiểm soát nổi các nhóm đối tượng thì ý thức tự bảo vệ, phòng chống SR cho bản thân và gia đình của một bộ phận người dân chưa cao, chưa kể phần đông đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng SR lưu hành nặng còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như tệ ma chay, cúng bái.

Tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động phòng chống SR, các bệnh ký sinh trùng khu vực miền Trung-Tây Nguyên mới đây tại Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, PGS-TS Vũ Sinh Nam, Cục phó Cục Y tế Dự phòng-Môi trường, Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh ngành y tế các tỉnh, thành phải lưu ý đến vấn đề giảm bền vững về số người mắc và TVSR. Ông khuyến cáo: “Hiện nay, nguồn vectơ lây truyền SR vẫn còn tiềm tàng rất lớn trong cộng đồng dân cư. Đây thật sự là một thách thức của ngành y tế. Để mức giảm bệnh nhân và TVSR được bền vững, cần có sự kết hợp giữa một bên là sự nỗ lực của ngành y tế và cả hệ thống chính trị ở các địa phương và một bên là nhận thức của người dân”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngôi nhà số  (19/03/2008)
Mũ bảo hiểm cách điệu có thể làm bị thương người đội  (19/03/2008)
Ăn kiêng có lợi cho người viêm khớp  (19/03/2008)
Số trường hợp mắc sốt rét giảm nhưng chưa bền vững  (19/03/2008)
Nam giới ngủ dưới 5 tiếng/ngày dễ bị béo phì và đái đường  (18/03/2008)
Từ điện thoại không lời đến xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ- không còn là ước mơ xa vời  (18/03/2008)
Thế giới phẳng và công dân toàn cầu  (18/03/2008)
Tổ chức phun hóa chất phòng chống bệnh thủy đậu  (18/03/2008)
Triển vọng ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư  (17/03/2008)
Không tiêm phòng thủy đậu, 90% có nguy cơ mắc bệnh  (17/03/2008)
Người dân nên thận trọng trong việc sử dụng mắm tôm, rau sống, thức ăn đường phố  (17/03/2008)
431 trường hợp mắc bệnh thủy đậu  (17/03/2008)
Kính thiên văn tự chế lớn nhất Việt Nam  (16/03/2008)
Bệnh tiêu chảy cấp lại xuất hiện ở Hà Nội  (15/03/2008)
Phát hiện gene kiểm soát bệnh ung thư vú  (14/03/2008)