|
Các hành tinh nằm quá gần những ngôi sao thì thường quá nóng để duy trì sự sống. Ảnh: BBC. |
Các nhà khoa học đã tìm thấy methane trong bầu khí quyển của một hành tinh bên ngoài thái dương hệ, đang bay quanh một ngôi sao cách trái đất 63 năm ánh sáng.
Phát hiện, do Giovanna Tinetti từ Đại học tổng hợp London, và cộng sự từ Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tại California thực hiện, được công bố trên tạp chí Nature ngày 19.3.
Nhóm khoa học đã tìm ra dấu vết của chất hữu cơ methane ở đây khi quan sát bằng Kính thiên văn vũ trụ Hubble.
Hành tinh này có kích cỡ bằng sao Mộc, còn được gọi là HD 189733b, trong chòm sao Vulpecula (con cáo nhỏ). Nó quay trên quỹ đạo ở gần sao mẹ hơn so với khoảng cách từ sao Thủy (hành tinh trong cùng của hệ mặt trời) đến Mặt trời của chúng ta, vì thế có nhiệt độ lên đến 900 độ C.
Các nhà khoa học đã tìm ra dấu vết của methane nhờ vào công nghệ quang phổ - tách ánh sáng thành những hợp phần khác nhau.
Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận phát hiện do kính thiên văn vũ trụ Spitzer thực hiện trước đây, đó là bầu khí quyển của HD 189733b cũng chứa hơi nước. Tuy nhiên họ cho biết hành tinh này quá nóng để có thể có sự sống.
Methane, cấu tạo từ carbon và hydro, là hợp chất hữu cơ đơn giản nhất, trong những điều kiện nào đó có thể đóng vai trò quan trọng trong hóa học tiền sinh - những phản ứng hóa học cần thiết để tạo dựng sự sống.
. Theo VnExpress |