Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Cleveland (Mỹ), bệnh nhân được truyền máu cũ trong khi phẫu thuật dễ có nguy cơ bị tử vong cao hơn 30% so với người được truyền máu mới.
Chỉ nên bảo quản máu trong thời gian tối đa 2 tuần vì quá thời hạn đó, máu truyền sẽ gây ra nhiều biến chứng phức tạp hơn máu mới.
Điều này đã đặt các bệnh viện và ngân hàng máu vào thế tiến thoái lưỡng nan vì không thể lúc nào cũng chủ động có đủ nguồn máu mới sẵn có. Và có một thực tế là bao giờ ngân hàng máu cũng cho truyền máu cũ trước. Ngay cả khi phải dự trữ máu tối đa 6 tuần theo tiêu chuẩn hiện nay, nhiều ngân hàng máu cũng không thể cung cấp đủ số đơn vị máu theo yêu cầu chứ đừng nói chi đến việc phải thải bỏ máu quá hạn dùng 2 tuần.
Tiến sĩ người Đức Colleen Gorman Koch, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học nói trên, cho rằng cần phải chuyển đổi sang cách làm ngược lại là ưu tiên truyền máu mới nhất cho bệnh nhân trước.
Nhóm khoa học đã nghiên cứu 6.002 ca mổ tim được truyền máu trong thời gian phẫu thuật. Họ đã ghi nhận tỉ lệ tử vong của những trường hợp được truyền máu tươi là 1,7% trong khi tỉ lệ này ở những người được truyền máu cũ là 2,8%. Người được truyền máu cũ cũng dễ mắc các chứng bệnh về thận, các chứng viêm nhiễm, đau ở nhiều cơ quan và phải sử dụng máy hô hấp nhân tạo nhiều hơn.
Nguyên nhân là tế bào hồng cầu máu hiến tặng cũ thường nhanh chóng mất oxít nitric vốn là nhân tố chủ chốt trong việc vận chuyển khí ôxy từ máu đến các mô.
Nhóm nghiên cứu đề xuất nên sử dụng máu quá thời hạn 2 tuần vào những mục đích khác.
|