Nhà cổ nhân học William Jungers của trường đại học Stony Brook (Mỹ) cùng với đồng nghiệp Brian Richmond của trường đại học George Washington (Mỹ) đã tiến hành phân tích định lượng về xương đùi hóa thạch của người tiền sử giống Orrorin tugenensis sống cách đây 6 triệu năm. Ông Jungers nói: “ Vào thời điểm này, tôi có thể nói đây là hóa thạch vượn người đi bằng 2 chân cổ nhất từ trước đến nay”.
Hai nhà nghiên cứu đã so sánh hình dáng của chiếc xương đùi hóa thạch với xương đùi của người hiện đại, của khỉ hình người và nhiều động vật linh trưởng tiền sử đi bằng hai chân khác. Họ kết luận chiếc xương đùi có nhiều đặc điểm của động vật 2 chân hoặc đi thẳng người trên 2 chân.
Điều đặc biệt đối với người tiền sử O. tugenensis và một số giống người tiền sử khác sống cách đây 2-6 triệu năm là họ không chỉ di chuyển trên mặt đất bằng 2 chân mà còn biết leo cây. Họ còn biết sử dụng bím tóc của mình để kiếm thức ăn, để treo mình ngủ trên cây hay trốn thoát khỏi kẻ săn mồi. Các ngón tay của họ cong quắp chứng tỏ họ dùng tay để nắm, để bám vào các cành cây trong khi leo trèo. Trong khi đó, thủy tổ của loài người hiện đại đã mất hẳn khả năng này trong quá trình tiến hóa.
Hóa thạch của người tiền sử giống O. tugenensis được 2 nhà nghiên cứu người Pháp tên Martin Pickford và Brigitte Senut phát hiện tại Kenya năm 2000. Vì thế, nó còn được biết đến với biệt danh “Con người thế kỷ”.
Ban đầu, Pickford và Senut cho rằng đó là loài vượn người đi bằng 2 chân nhưng chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn cho đến khi nghiên cứu của Junger và Richmond hoàn thành.
Kết luận trên củng cố thêm cho giả thuyết O. tugenensis là thủy tổ trực tiếp của loài người hiện nay. Người tiền sử O. tugenensis có dáng người nhỏ nhưng thô kệch hơn chúng ta ngày nay. Họ có răng lớn, khuôn mặt nhô ra phía trước và não chỉ nhỏ bằng não của loài tinh tinh.
|