Coi chừng giun sán
7:42', 27/3/ 2008 (GMT+7)

Kết quả điều tra cơ bản về sự phân bố giun sán ở cộng đồng các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn cho thấy, mức độ nhiễm bệnh giun sán khá cao, trong khi việc quản lý và dự phòng bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Điều tra dịch tễ bệnh sán lá gan nhỏ tại xã Mỹ Quang (Phù Mỹ). Ảnh: H.X

 

* 60% người dân mắc giun sán!

Trong số này, chiếm tỉ lệ cao nhất phải kể đến bệnh giun móc: 40%, tiếp theo là bệnh giun đũa: 35%, giun tóc: 10%, sán lá gan lớn: 6%, sán lá gan nhỏ: 3%…

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tình hình nhiễm bệnh sán lá gan lớn trở thành vấn đề “nóng” của khu vực. Chỉ tính riêng thời điểm bùng phát bệnh sán lá gan lớn đến nay, phòng khám của Viện và các BVĐK tỉnh trong khu vực đã phát hiện và điều trị trên 3.000 ca năm 2006 và 1.862 ca năm 2007. Số bệnh nhân sán lá gan lớn tập trung cao ở các tỉnh Bình Định (35,96%), Quảng Ngãi (23,86%), Phú Yên (12,86%), Quảng Nam (10,42%), Đà Nẵng (9,92%)…

Với điều kiện tự nhiên thích hợp cho dịch bệnh phát triển; người dân còn nhiều tập quán lạc hậu, ý thức vệ sinh phòng bệnh hạn chế, lại thường xuyên đối mặt với bão lụt kéo dài nên miền Trung-Tây Nguyên được xem là “vùng trọng điểm” bệnh giun sán ở người.

Phần lớn bệnh giun sán lây truyền qua đường tiêu hóa do thói quen ăn rau sống, gỏi cá… Trong đó, rau sống là môi trường sống lý tưởng của giun sán. Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, hơn 97% mẫu rau bán tại các chợ như rau xà lách, xà lách xoong, rau đắng, rau má, rau muống và rau gia vị đều nhiễm ký sinh trùng (KST) trứng giun đũa, giun móc, giun đũa chó mèo, sán lá gan… Điều đáng báo động là những KST trên khó có thể được “tẩy sạch” khỏi rau dù đã qua giai đoạn rửa bằng nước thường hay nước chuyên dụng.

Theo tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, bệnh giun sán là mối nguy hại cho sức khỏe con người, gây ra các bệnh tiêu hóa, suy dinh dưỡng, làm chậm sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, gây thiếu máu, hạn chế khả năng lao động, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Diễn biến cấp tính của bệnh sán lá gan lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đã có trường hợp bệnh nhân bị vỡ gan, tử vong tại BVĐK tỉnh Bình Định.

* Căn bệnh bị... lãng quên!

Do triệu chứng bệnh giun sán diễn biến âm thầm, dễ bị che lấp bởi nhiều bệnh cấp tính khác nên đến nay, bệnh giun sán vẫn được coi là “căn bệnh bị lãng quên”, không được quan tâm đúng mức và chưa có quy mô phòng chống.

Ở tỉnh ta, Trung tâm Phòng chống Sốt rét-các bệnh nội tiết tỉnh có chức năng, nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh KST nhưng thực tế, Trung tâm mới quản lý bệnh sốt rét, còn các bệnh giun sán vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Năm 2006, thông qua các chương trình được tài trợ, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn đã phối hợp cùng Trung tâm điều tra dịch tễ về bệnh sán lá gan nhỏ tại một số xã người dân có thói quen ăn gỏi cá diếc sống tại huyện Phù Mỹ. Năm 2007, từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Trung tâm cũng triển khai đề tài điều tra về tỉ lệ mắc sán lá gan nhỏ tại cộng đồng ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ). Riêng, đối với bệnh sán lá gan lớn, từ năm 2006, được sự quan tâm hỗ trợ thuốc Triclabendazole từ nguồn của WHO, một số bệnh viện trong tỉnh đã triển khai điều trị bệnh sán lá gan lớn. Thời gian qua, nhờ các nguồn đầu tư từ các chương trình, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng triển khai một số hoạt động tẩy giun cho học sinh ở các trường tiểu học. Và tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-các bệnh nội tiết, lý giải tình trạng này: “Đến nay, bệnh giun sán vẫn chưa được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia nên chưa có kinh phí cho các hoạt động điều tra dịch tễ và dự phòng. Vì thế, Trung tâm cũng chưa quản lý và triển khai can thiệp bệnh giun sán ở cộng đồng mà chỉ nắm tình hình qua thực tế bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện”.

Ngay cả cơ quan chịu trách nhiệm về bệnh KST ở khu vực 15 tỉnh, thành phố thuộc khu vực là Viện SR-KST-CT Quy Nhơn cũng chưa có chương trình chính thức, cụ thể về hoạt động này. Để góp phần hạn chế dịch bệnh, trong thời gian tới, Viện cũng chỉ nỗ lực tận dụng các nguồn đầu tư để hỗ trợ các tỉnh thực hiện các chương trình riêng lẻ, như: dự án WHO về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất của học sinh tiểu học và loại trừ giun chỉ bạch huyết; dự án Tiểu vùng sông Mê Kông phòng chống các bệnh giun truyền qua đất cho lứa tuổi 24-60 tháng tuổi ở 12 huyện thuộc 3 tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và Đắc Lắc; cung cấp thuốc điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn cho các tỉnh có bệnh nhân.

Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung cho biết: “Viện sẽ tận dụng các nguồn đầu tư hiện có để mở rộng phạm vi xác định sự phân bố, mức độ nhiễm bệnh và củng cố mạng lưới chuyên khoa tuyến tỉnh nhằm tạo cơ sở đề xuất với Bộ Y tế, từng bước đưa bệnh giun sán ký sinh vào chương trình phòng chống trên quy mô lớn”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiểm soát 7 triệu chứng đau thông thường mà không dùng thuốc  (26/03/2008)
10 thành phố lớn nhất thế giới của năm 2025  (26/03/2008)
Mối liên quan giữa cân nặng khi sinh và tuổi thọ  (26/03/2008)
Phát hiện được bản đồ protein trong nước bọt của người  (26/03/2008)
Những cách giúp con thành đứa trẻ sáng tạo  (25/03/2008)
Nhiên liệu sinh học tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ em?  (25/03/2008)
Chữa thành công bệnh Parkinson ở chuột bằng phương pháp nhân giống vô tính  (24/03/2008)
20 cách đơn giản chống ung thư  (24/03/2008)
Viết giúp cải thiện cuộc sống của bệnh nhân ung thư  (24/03/2008)
Năm 2009 sẽ có vắc-xin H5N1 "made in Việt Nam"  (23/03/2008)
Mắt có khả năng tự phục hồi võng mạc  (21/03/2008)
Người tiền sử sống cách đây 6 triệu năm đi được bằng 2 chân  (21/03/2008)
Bão lũ năm nay nhiều và mạnh hơn  (21/03/2008)
Máu truyền càng cũ càng chứa nhiều nguy cơ hiểm họa đến sức khỏe  (20/03/2008)
Tình yêu hấp dẫn hơn mọi sự quyến rũ khác  (20/03/2008)