|
Ảnh chụp scan não bộ của người bình thường (trái) và của người bị bệnh tâm thần phân liệt (trái) |
Theo báo cáo khoa học của hai nhóm nghiên cứu người Mỹ, căn bệnh tàn phá thần kinh-bệnh tâm thần phân liệt- có thể do nhiều đột biến khác nhau của nhiều gene khác nhau gây ra. Nó làm gián đoạn đường dẫn sinh học sống còn giúp cho não bộ phát triển bình thường.
Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn phức tạp với những biểu hiện đặc trưng là ảo giác và suy nghĩ lộn xộn. Bệnh xuất hiện ở khoảng 1% người trưởng thành.
Từ lâu, các chuyên gia đã dày công tìm tòi nguyên nhân gây bệnh cũng như nghiên cứu về các tác nhân môi trường ngoại cảnh ngoại cảnh và vai trò của gene.
Nghiên cứu của hai nhóm khoa học thuộc trường đại học Washington và Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor ở New York đã giúp hiểu sâu hơn về gene. Theo đó, không phải chỉ có 1 hay một vài gene là tác nhân gây ra bệnh mà thủ phạm là vô số hỏng hóc ở vô số gene.
Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, cấu trúc ADN của các gene bị hư thường bị xóa đi và nhân lên liên tục. Các gene bị hư này có liên quan đến sự phát triển chủ yếu của não bộ vì chúng tham gia vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng giúp cho các neuron thần kinh liên lạc với nhau và đóng vai trò chức năng giúp các neuron phát triển, di trú và chết đi.
2 nhóm nghiên cứu đã so sánh cấu trúc ADN của 150 người bị tâm thần phân liệt và 268 người khỏe mạnh. Họ phát hiện ra 15% gene của người bị bệnh xóa đi và nhân đôi trong khi chỉ có 5% gene của người bình thường có hoạt động xóa-nhân tương tự.
Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em thường nặng hơn và xuất phát từ nguyên nhân biến đổi gene nhiều hơn người lớn.
Phát hiện trên sẽ giúp bào chế ra những loại thuốc mới ổn định đường phát triển của não vốn bị các khiếm khuyết về gene làm gián đoạn. Nó làm tăng hi vọng chữa trị và ngăn ngừa bệnh tâm thần phân liệt đồng thời mở rộng khả năng chữa các chứng rối loạn phát triển thần kinh khác.
Các thuốc chữa tâm thần phân liệt hiện nay thường chỉ giúp cải thiện tình trạng ảo giác của bệnh nhân trong thời gian ngắn chứ không có tác dụng lâu dài. Mặt khác, nó chỉ chữa trị các triệu chứng chứ không điều trị căn nguyên chứng bệnh.
|