Cuộc chiến chống công chức say xỉn ở Trung Quốc
16:52', 28/3/ 2008 (GMT+7)

Lý Bân - cán bộ về hưu 60 tuổi có bộ ngực vạm vỡ, đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do bí thư thành ủy giao, sải bước qua một hành lang trống ở tòa án thành phố Tân Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, để tìm các cán bộ viên chức. Ông lắc lắc các tay nắm và đột nhập vào các phòng làm việc mà không gõ cửa. Một cán bộ tòa án lùi lại với gương mặt đỏ bừng sợ hãi.

 

Đội đặc nhiệm chống rượu bia của thành phố Tân Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc kiểm tra đột xuất độ cồn trong hơi thở của một sĩ quan cảnh sát. (Ảnh: NYTimes)

 

Đội đặc nhiệm chống rượu bia đã tới!

Vài phút sau, một trong các thuộc cấp trẻ của ông Lý ra lệnh “thở mạnh ra” và ấn một chiếc máy đo độ cồn vào miệng vào một công chức có vẻ lo lắng.

"Đánh úp" các công sở vắng cán bộ

Các cuộc thanh tra chống rượu bia đã trở thành tin tức giật gân trên báo chí Trung Quốc thời gian gần đây. Ba đội phản ứng nhanh chống rượu bia nơi công sở thường kiểm tra đột xuất nồng độ cồn với 120.000 công chức trong thành phố. Những người vi phạm thường bị khiển trách hoặc bêu tên trên mặt báo hoặc truyền hình.

Ông Lý cho biết những người vi phạm rất giỏi "chế" ra lý do: nào là gặp gỡ bạn thân, gia đình có dịp đặc biệt, thậm chí chỉ uống một hai ngụm theo chỉ định của bác sĩ... Ông chỉ trả lời họ: "Chúng tôi không quan tâm". Ở nhiều công sở ông đến kiểm tra, một số phòng làm việc còn khóa cửa hoặc chẳng có ai, không khỏi khiến người ta nghĩ rằng các cán bộ ở đó đã đi uống rượu và không hề có ý định quay lại làm việc.

Các cuộc kiểm tra đột xuất này không chỉ nhằm vào một vài cán bộ chuếnh choáng hơi men, mà chủ yếu nhằm vào một thói quen đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều cán bộ, công chức: những cuộc nhậu nhẹt buổi trưa kéo dài hàng giờ, và thường là trả bằng tiền nhà nước.

Ông Vương Thiết, Bí thư thành ủy Tân Dương, chính là người người khởi xướng chiến dịch này. Theo ước tính của ông, chiến dịch này có thể giúp chính quyền thành phố tiết kiệm được gần 6 triệu USD trong 6 tháng. Không những thế biện pháp quyết liệt này còn có thể cải thiện công việc và giải phóng công chức nhà nước khỏi những chuẩn mực văn hóa không hay.

Các nhà hàng thì cho biết có sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Tháng trước, Hiệp hội công nghiệp sản xuất đồ uống có cồn của tỉnh Hà Nam, một hiệp hội thương mại đang có nguy cơ mất đi những vị khách sộp nhất, đã chỉ trích chủ trương này là vi phạm các quyền hợp pháp của công chức.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông  Khang Dận Trung, một luật sư của hiệp hội thương mại  này, phản đối rằng: "Luật công chức của Trung Quốc không bắt công chức nhịn uống trong bữa trưa. Uống hay không là quyền của công chức, chính quyền không có quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của công chức nếu như họ không làm hỏng việc vào buổi chiều”.

Nhưng bí thư Vương lại khẳng định chiến dịch chống rượu bia nơi công sở sẽ vượt qua mọi thách thức. Ông nói: “Mọi người đều biết ở Trung Quốc đang có vấn đề về việc cán bộ ăn uống bằng tiền nhà nước. Đó là một vấn đề lớn và để chống tham nhũng phải bắt đầu từ vấn đề như thế này”.

 

Chiến dịch chống rượu bia nơi công sở này đã khiến sản lượng rượu Bạch Tửu giảm đáng kể. (Ảnh: NYTimes)

 

Thay đổi "văn hóa nhậu nhẹt"

Uống rượu bia trong khi làm việc không hẳn là điều chỉ có ở Trung Quốc, nhưng thói quen nhậu nhẹt đã ăn sâu vào văn hóa làm việc của nước này. Các nhà hàng thường có những phòng tiệc riêng, một số phòng còn có cả khu vực chờ, TV màn hình phẳng và phòng tắm riêng. Các bàn ăn thường có sẵn nhiều loại ly để uống bia, rượu vang, rượu mạnh đặc biệt là rượu Bạch Tửu đặc trưng của Trung Quốc, gần như không vắng mặt trong bất cứ bữa tiệc nào.

Một bữa tiệc được coi là nghi lễ bắt buộc để khoản đãi các đối tác làm ăn. Chủ tiệc sẽ bị mất mặt nếu có một vị khách tỏ ra không thoải mái và vui vẻ. Cứ theo logic này thì chẳng có cách nào khác để khách khứa vui vẻ và quan hệ tiến triển tốt đẹp ngoài việc mời nhau uống và uống thật nhiều. “Đó là một cách giao tiếp giữa con người với nhau”, giám đốc một công ty chuyên sản xuất rượu Bạch Tửu ở Tân Dương cho biết. “Thật bất kính nếu không uống rượu với khách”.

Nhưng giám đốc các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc lại muốn có "sự bất kính" ấy. Vì rượu Bạch Tửu rất mạnh và không phải ai cũng uống được. “Khi thấy có 6 người và 3 chai Bạch Tửu ở trên bàn tiệc thì anh phải bắt đầu ăn và ăn thật nhanh", một doanh nhân Mỹ nói khi mô tả "chiến thuật tồn tại" của mình. Ông cho biết có lần ông phải uống Bạch Tửu liền 3 bữa sáng, trưa, tối.

Tim Clissold, tác giả cuốn “Mr. China” – một cuốn hồi ký về kinh doanh ở Trung Quốc, đã tả một bữa tiệc tối với một thị trưởng Trung Quốc là hết sơn hào hải vị này đến của ngon vật lạ khác được bê ra: nào là phổi bò hầm tương ớt, dạ dày ngỗng, mép cá xào cần tây, mì gân chân dê, óc bò, rùa hầm và cuối cùng là... ngẩu pín hươu. Rượu Bạch Tửu cũng chảy tràn hết lượt này đến lượt khác đến nỗi Clissold phải "bò" khỏi bàn.

Rượu Bạch Tửu đã có truyền thống "làm ngoại giao" cho đất nước Trung Quốc. Năm 1974, ông Henry Kissinger đã khoản đãi ông Đặng Tiểu Bình tại New York và nhận xét về "uy lực" của rượu Mao Đài, thương hiệu nổi tiếng nhất của Bạch Tửu. “Theo tôi nếu uống đủ rượu Mao Đài, chúng ta có thể giải quyết được mọi việc”, ông Henry Kissinger nói. “Thế thì lúc về Trung Quốc tôi phải tăng sản lượng rượu này lên”, ông Đặng đáp lại.

Nhưng đó là chuyện cũ rồi. Thế hệ doanh nhân trẻ tuổi ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải giờ đây lại có xu hướng tránh dùng rượu trong giao dịch. Nhiều người thích chọn sân golf hơn là bàn tiệc để bàn chuyện kinh doanh.

. Theo lanhdao.net

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện ra các đột biến gene liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt  (28/03/2008)
Lần đầu tiên bào chế được thuốc có khả năng chữa viêm gan C  (27/03/2008)
Phát hiện di cốt cổ nhất của loài người  (27/03/2008)
Coi chừng giun sán  (27/03/2008)
Kiểm soát 7 triệu chứng đau thông thường mà không dùng thuốc  (26/03/2008)
10 thành phố lớn nhất thế giới của năm 2025  (26/03/2008)
Mối liên quan giữa cân nặng khi sinh và tuổi thọ  (26/03/2008)
Phát hiện được bản đồ protein trong nước bọt của người  (26/03/2008)
Những cách giúp con thành đứa trẻ sáng tạo  (25/03/2008)
Nhiên liệu sinh học tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ em?  (25/03/2008)
Chữa thành công bệnh Parkinson ở chuột bằng phương pháp nhân giống vô tính  (24/03/2008)
20 cách đơn giản chống ung thư  (24/03/2008)
Viết giúp cải thiện cuộc sống của bệnh nhân ung thư  (24/03/2008)
Năm 2009 sẽ có vắc-xin H5N1 "made in Việt Nam"  (23/03/2008)
Mắt có khả năng tự phục hồi võng mạc  (21/03/2008)