Bộ Y tế ra công điện khẩn chống dịch tiêu chảy cấp
15:22', 2/4/ 2008 (GMT+7)

* Khẩn cấp chống dịch heo tai xanh

Phần lớn bệnh nhân tiêu chảy cấp có sử dụng rau sống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn hôm qua đã ký công điện khẩn về chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhấn mạnh việc nghiêm cấm dùng phân tươi tưới rau. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên loại bỏ rau sống ra khỏi bữa ăn.

Theo Bộ Y tế, việc bón rau bằng phân tươi là nguồn lây nhiễm phẩy khuẩn tả và các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác, thủ phạm gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát ở Hà Nội và 7 tỉnh ở miền Bắc.

Trong đợt dịch diễn ra cuối năm 2007, Thứ trưởng Huấn và các chuyên gia Bộ Y tế đã đi thị sát các vùng trồng rau ở nhiều địa phương, nhất là Hà Tây, nguồn cung cấp rau lớn cho thủ đô Hà Nội. Ông Huấn nhận thấy rất nhiều gia đình vẫn dùng phân tươi tưới rau, kể cả các loại rau sống.

Trong mấy trăm bệnh nhân tiêu chảy nhập viện kể từ đầu tháng 3 đến nay, phần lớn đều từng ăn rau sống. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, khẳng định: "Rau sống chắc chắn là nguyên nhân gây ra đợt tiêu chảy cấp nguy hiểm này".

Cho dù rửa kỹ và ngâm nước muối thật cẩn thận, lượng vi khuẩn trong rau sống cũng chỉ mất đi tối đa là 60%. Đó là chưa kể ở các quán ăn, rau sống không bao giờ được rửa kỹ. Vì vậy nếu như người nông dân chưa bỏ tập quán tưới rau bằng phân tươi, nguồn nước tưới từ ao hồ cống rãnh vẫn tiềm ẩn mầm bệnh tả thì món rau sống chắc chắn vẫn là mối đe dọa lớn. 

"Tốt nhất là tuyệt đối không ăn rau sống!" - bác sĩ Tường Vân nói.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã ký công điện khẩn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch đang có chiều hướng lây lan rộng, gây thiệt hại lớn cho địa phương. Mặt khác, đã xuất hiện tình trạng người chăn nuôi bán tháo gia súc bị bệnh, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác.

Để nhanh chóng bao vây dập tắt dịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương có dịch cần tăng cường lực lượng giám sát dịch bệnh, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh; đồng thời nghiêm cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra ngoài ổ dịch.

Bên cạnh đó, địa phương có dịch phải lập chốt kiểm dịch ở trục giao thông ra, vào vùng dịch và cử các lực lượng giám sát 24/24 giờ; tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn xã, huyện có dịch tại khu vực chăn nuôi, lối ra vào vùng dịch và khu vực tiêu huỷ hoặc chôn lấp lợn bệnh.

Các địa phương chưa có dịch cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào tỉnh, phân công trách nhiệm giám sát dịch bệnh trên đàn lợn ở từng hộ chăn nuôi cũng như các cơ sở buôn bán, các chợ. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu của bệnh tai xanh phải tổ chức bao vây, khoanh vùng ngay, lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu hủy toàn bộ gia súc mắc bệnh.

. Theo VnExpress, TTXVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tương lai không xa, một ngày có 25 giờ vì Trái Đất đang quay chậm lại  (02/04/2008)
Buồn phiền có thể dẫn đến những bệnh trí não  (01/04/2008)
Kỹ thuật nội soi cắt lớp y khoa bằng laser sẽ khai tử kỹ thuật sinh thiết  (01/04/2008)
Xuất hiện tiêu chảy cấp nguy hiểm ở 8 địa phương  (01/04/2008)
Đề nghị đưa vắcxin “5 trong 1” vào tiêm miễn phí  (01/04/2008)
Trà xanh giúp chống siêu vi khuẩn   (31/03/2008)
Hơn 1 triệu website lớn bị tấn công?   (31/03/2008)
VINASAT - 1: Cơ hội phát triển mới cho viễn thông nước nhà   (31/03/2008)
Phát hiện thêm đột biến gene gây ung thư ruột   (31/03/2008)
Trường tiểu học đầu tiên dạy thử nghiệm bằng giáo án điện tử   (31/03/2008)
Công nghệ cảm biến mới: Camera ở đầu móng tay giúp cảm nhận mọi vật bằng xúc giác  (30/03/2008)
Lò nướng thông minh nấu ăn thay bạn  (30/03/2008)
Cuộc chiến chống công chức say xỉn ở Trung Quốc  (28/03/2008)
Phát hiện ra các đột biến gene liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt  (28/03/2008)
Lần đầu tiên bào chế được thuốc có khả năng chữa viêm gan C  (27/03/2008)