Thêm một đề tài nghiên cứu về đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) vừa được nghiệm thu. Đây là đề tài thứ 6 nghiên cứu về vấn đề này, nhưng đến nay môi trường sinh thái của đầm Trà Ổ vẫn đang trong tình trạng báo động. Liệu rằng kết quả đề tài này có góp phần cải thiện được hệ sinh thái của đầm?
|
Một góc đầm Trà Ổ. Ảnh: H.X
|
* Cộng đồng cùng bảo vệ
Đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển thủy đặc sản vùng đầm Trà ỔÅ” do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) Bình Định chủ trì vừa được Hội đồng Khoa học chuyên ngành tỉnh nghiệm thu. Theo số liệu của đề tài, hiện nay có hơn 900 hộ của 4 xã: Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức khai thác thủy sản trên đầm Trà Ổ, sản lượng đánh bắt hàng ngày suy giảm rất nhiều. Nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản (NLTS) đầm Trà Ổ giảm là do việc đánh bắt bằng xung điện chưa được ngăn chặn; vùng đánh bắt chưa được quy hoạch; đánh bắt bằng lưới mắt nhỏ (theo quy định mắt lưới phải từ 2cm trở lên).
Từ nguyên nhân này, để vận động nhân dân khai thác hợp lý, bảo vệ NLTS trong đầm, những người thực hiện đề tài đã xây dựng quy chế quản lý bảo vệ và phát triển NLTS đầm Trà Ổ. Quy chế này đã được UBND huyện Phù Mỹ ra quyết định ban hành và được phổ biến cho những người làm các nghề khai thác đánh bắt trên đầm. Theo đó, người dân không được phép dùng xung điện, nghề cấm, lưới mắt nhỏ để khai thác trong đầm; mỗi ngư dân hành nghề trên đầm hàng năm góp từ 50 - 200 ngàn đồng (tùy theo nghề) để mua cá thả vào đầm nhằm tái tạo NLTS. Xây dựng sơ đồ phân bố khu vực, nghề khai thác tại đầm.
Đề tài cũng thành lập Hội đồng liên xã (4 xã). Mỗi xã có nhóm hạt nhân (từ 8-12 người) với quy chế hoạt động cụ thể, mục đích là quản lý cộng đồng, phát hiện đối tượng dùng nghề cấm, khai thác thủy sản theo lối hủy diệt, để thuyết phục họ bỏ nghề. Ông Nguyễn Hữu Hào- Chi cục trưởng Chi cục BVNLTS- chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Qua quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi nhận thấy nhận thức của người dân thay đổi đáng kể. Việc góp tiền để tái tạo nguồn lợi giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Về lâu dài, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà tài trợ, các dự án bảo vệ môi trường, bảo vệ NLTS... trong nước và quốc tế hỗ trợ để tái tạo NLTS cho đầm Trà Ổ”.
* Tốt, nhưng chưa đủ
Từ năm 1996 trở lại đây, đã có khoảng 5 công trình nghiên cứu liên quan đến việc khôi phục hệ sinh thái của đầm Trà Ổ. Nhưng cho đến nay, hệ sinh thái của đầm vẫn.. ngày càng xuống cấp. Những đề tài nghiên cứu trước đây cơ bản đã đánh giá được những tác động ảnh hưởng đến sự suy giảm nguồn lợi, sự giảm sút nghiêm trọng của các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế và ý nghĩa của việc bảo tồn đa dạng sinh học của đầm.
Có thể nói, đề tài của Chi cục BVNLTS là đề tài đầu tiên đưa ra được giải pháp khả thi, bước đầu nâng cao ý thức cộng đồng dân cư ven đầm. Tuy nhiên, đề tài này vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thật cụ thể để bảo vệ NLTS trong đầm, đặc biệt là chình mun, một loài thủy sản quý và độc đáo chỉ có ở đầm Trà Ổ. Đồng thời, các giải pháp chuyển đổi nghề cho cư dân ven đầm chưa có tính khả thi cao. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp sau khi đề tài kết thúc thì còn phải chờ xem.
Ông Trương Quang Vũ- Chủ tịch Hội đồng liên xã - cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quy chế và việc thành lập hội đồng liên xã. Tuy nhiên, vì chưa có những chế tài cụ thể để xử phạt những người vi phạm, nên việc thực hiện rất khó khăn. Đồng thời, các thành viên của các nhóm hạt nhân đều hoạt động trên cơ sở tự nguyện, nên không có một sự hỗ trợ nào về kinh tế, điều này cũng là một khó khăn vì đa số các thành viên của nhóm đều là cư dân ven đầm, phải kiếm sống hàng ngày...”.
Nạn xung điện xiếc máy, đánh bắt thủy sản theo kiểu tận thu là một nguyên nhân quan trọng làm cạn kiệt NLTS trong đầm. Giải quyết được nguyên nhân này cũng góp phần quan trọng vào việc khôi phục hệ sinh thái của đầm. Tuy nhiên, theo những cư dân quanh đầm: Từ khi đập ngăn mặn Hòa Tân được xây dựng (năm 1978), hệ sinh thái trong đầm đã có sự thay đổi theo chiều hướng đi xuống, sự đa dạng của các loài thủy sản cũng không còn. Sự thiếu hợp lý trong quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp quanh đầm và các chất độc hại được thải ra trong quá trình sản xuất ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, đã góp phần làm cho sự suy thoái của đầm diễn ra nhanh chóng.
Liệu rằng có cần những đề tài nghiên cứu tiếp theo để đưa ra giải pháp cho từng nguyên nhân một? Đề tài của Chi cục BVNLTS được thực hiện hơn một năm rưỡi mới đưa ra được một giải pháp cho một nguyên nhân, vậy không biết đầm Trà Ổ có đủ kiên nhẫn để chờ người ta cứu mình hay không?
|