|
Mô hình nhà máy sản xuất pin mặt trời của Mặt trời đỏ. |
4-5 tháng nữa, những tấm panel pin năng lượng mặt trời được sản xuất dưới dạng sản phẩm của một dây chuyền công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sẽ xuất xưởng. Đối với nhiều người “trong nghề”, đây vẫn là một tin đột ngột. Vẫn biết, pin mặt trời là một xu thế tất yếu của thế giới, và chúng ta không thể đứng ngoài, nhưng từ bao năm nay, lĩnh vực này như một đề tài, phạm trù nghiên cứu cần sự đầu tư của nhà nước nhiều hơn là mang dáng dấp của thị trường…
Chuyện của Mặt trời đỏ
“Nhiều người bảo chúng tôi liều. Cũng có người từng nghi ngờ rằng dự án sản xuất panel pin năng lượng mặt trời của chúng tôi là một đốm lửa thổi lên từ phía nhà nước, để khơi gợi phát triển chương trình năng lượng mới. Tùy quan điểm thôi, nhưng chúng tôi phải nói rõ một điều: chúng tôi làm dự án này với mục đích kinh doanh”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC-HCM), chủ đầu tư nhà máy sản xuất pin mặt trời mang tên Mặt trời đỏ, nói.
Nhà máy được khởi công từ cuối tháng 3.2008, nhưng dự án sản xuất pin mặt trời do ECC-HCM phối hợp đầu tư với Công ty cổ phần Mặt trời đỏ đã được chuẩn bị từ hơn 1 năm trước đó, với một hợp đồng mua dây chuyền sản xuất tại Mỹ, và cả một thời gian dài các đơn vị đầu tư chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng. Tuy nhiên, những nghiên cứu về pin mặt trời đã thu hút các nhà khoa học Việt Nam từ hàng chục năm về trước. Một số pin mặt trời đã được các nhà khoa học của chúng ta nghiên cứu và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Nhưng, để tạo ra một dây chuyền sản xuất thương phẩm thì chúng ta chưa từng làm được. Đối với một dự án kinh doanh như Mặt trời đỏ, vấn đề là thị trường đâu?
Câu chuyện thị trường được ông Tước lý giải bằng sự thay đổi của thời đại. “Trên toàn thế giới, vấn đề năng lượng mới đang ngày càng được phát triển. Năng lượng mặt trời ngày càng được ứng dụng vào cuộc sống nhiều hơn, đến độ, công nghệ sản xuất pin mặt trời không còn là công nghệ cao, của riêng những nước phát triển nữa. Với định hướng phát triển năng lượng mới, sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải đi theo hướng đó. Nhưng, một thị trường lớn hơn nữa được chúng tôi nhắm tới là làm gia công pin mặt trời. Theo sự phát triển của mình, pin mặt trời rồi cũng không còn là sản phẩm công nghệ cao, mà như nhiều sản phẩm dân dụng khác, sẽ được gia công tại các quốc gia châu Á, châu Phi chứ không tập trung tại châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy, định hướng thị trường của chúng tôi là 60% gia công xuất khẩu, 40% dành cho thị trường trong nước”.
Với những quan điểm riêng về thị trường của mình, Mặt trời đỏ đã ra đời với hy vọng mình sẽ là đơn vị đi đầu trong một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam, chứ không phải là một… “kẻ liều mạng”, như một số người đang lo ngại. Và họ đã có một dấu hiệu đáng mừng ngay từ khi chưa sản xuất được tấm pin nào: theo ông Tước, hiện đã có rất nhiều đối tác tìm đến đặt vấn đề về việc hợp tác đầu tư, gia công xuất khẩu.
Những chuyển biến đồng bộ
Thực ra Mặt trời đỏ chỉ là một dấu ấn trong tiến trình xây dựng, hình thành và phát triển các sản phẩm pin mặt trời đang được TPHCM thúc đẩy triển khai, với mục tiêu hình thành các đơn vị sản xuất, thương mại bằng các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Từ đầu năm 2007, TPHCM đã có kế hoạch về việc phát triển dây chuyền sản xuất pin mặt trời, dựa trên việc chuyển giao công nghệ hoặc phát triển công nghệ nội sinh.
Sau đó, 6 doanh nghiệp phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã “bí mật” lên đường qua Nga để khảo sát các dây chuyền công nghệ sản xuất tại đây, với mục tiêu chính là xem xét xem có thể mua một dây chuyền về nước hay không. Trong một cuộc họp nội bộ sau đó, Ban giám đốc Sở đã cùng ngồi lại với các doanh nghiệp, và kết luận cuối cùng đã được đưa ra rằng TPHCM sẽ tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu công nghệ nội sinh và chuẩn bị các công đoạn sản xuất có mức đầu tư lớn. Những nhận định tại cuộc họp đó đã cho rằng việc lắp ráp, sản xuất pin mặt trời từ các tế bào quang điện là công đoạn mà các doanh nghiệp không sớm thì muộn cũng sẽ vào cuộc. Để hướng tới việc hoàn thành một dây chuyền khép kín, từ… cát trắng sản xuất ra pin mặt trời, việc mà Sở KHCN TPHCM cần phải làm là tập hợp các nhà khoa học lại để nghiên cứu, giải quyết bài toán sản xuất sản phẩm thương mại từ nguyên liệu cát trắng làm ra các tế bào quang điện.
“Tự sản xuất được pin mặt trời với giá cạnh tranh đóng một vai trò rất quan trọng trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việt Nam có nguồn nguyên liệu cát trắng tự nhiên, có nắng nhiều, đặc biệt là khu vực Nam bộ gần như quanh năm có nắng. Quan điểm của chúng tôi trong là sẽ tập hợp các nhà khoa học lại, đầu tư nghiên cứu những lĩnh vực doanh nghiệp khó làm được, sau khi nghiên cứu thành công sẽ lập doanh nghiệp cổ phần hoặc bán lại các kết quả nghiên cứu đó cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Nhà nước vẫn có thể thu hồi vốn, mà vẫn có thể phát triển một ngành”, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM nói với chúng tôi như vậy từ một năm về trước. Hiện nay, khi mà Mặt trời đỏ được triển khai, với các khu nhà đang được lắp ráp và dây chuyền sản xuất đang được chuyển về Việt Nam, thì việc nghiên cứu sản xuất pin mặt trời cũng đã được Sở KHCN TPHCM đặt hàng các nhà khoa học của Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện.
Chẳng ai có thể nói trước rằng Mặt trời đỏ, hay những nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH Quốc gia TPHCM sẽ cho ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh để một ngành công nghiệp mới chính thức ra đời tại TPHCM. Nhưng, với quyết tâm phát triển năng lượng mới trên toàn thế giới, với các nỗ lực gần đây của chính phủ, người ta có thể tin rằng, có một ngành công nghiệp mới đang được khởi động tại TPHCM…
. Theo SGGP |