Khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm
8:51', 17/4/ 2008 (GMT+7)

Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp (TCC) nguy hiểm đang tái bùng phát ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh khu vực miền Trung. Theo dự báo, khả năng bùng phát dịch TCC ở các tỉnh từ miền Trung trở vào rất cao. Trước tình hình này, tỉnh ta đang dồn toàn lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

* Người dân vẫn “lơ là”

Theo cảnh báo của ngành Y tế tỉnh, nguy cơ dịch TCC lây lan rất nhanh và không loại trừ Bình Định. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại một số hàng ăn đường phố và chợ, người dân vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh.

Các hoạt động mua bán, ăn uống theo thói quen ở các hàng rong, quán cóc vỉa hè không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn diễn ra bình thường. Tại các chợ, đường phố, ngay trên lề đường bụi bặm, các hàng ăn vẫn “vô tư” phục vụ thực khách, trong khi “thượng đế” hầu như cũng chẳng quan tâm đến VSATTP. Phần lớn người bán lẫn người mua được hỏi đều có nghe nói về dịch TCC qua các kênh thông tin đại chúng nhưng không mấy quan tâm vì dịch… chưa tới Bình Định.

Qua kiểm tra các trường hợp mắc bệnh TCC, Bộ Y tế cho biết, việc người dân sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính khiến dịch TCC lan rộng. Đa số người mắc bệnh là do ăn thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống, thức ăn nguội đã bị nhiễm bẩn…

Ở tỉnh ta, tình trạng hàng quán mất vệ sinh từ khâu chế biến, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng và điều kiện cơ sở hạ tầng không bảo đảm vẫn còn tồn tại. Hàng ăn được bày bán ở khắp mọi nơi, trên vỉa hè, ngay bên miệng cống thoát nước…

* Dốc toàn lực phòng chống dịch

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, ngành Y tế được xác định là lực lượng chủ công trong việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và giám sát dịch bệnh.

Ngay từ đầu tháng 4 đến nay, ngành Y tế đã triển khai song song nhiều hoạt động phòng chống dịch. Các trung tâm y tế huyện, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh và Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Tây Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt chú trọng giáo dục, vận động nhân dân không ăn rau sống, các loại mắm sống, hải sản sống, tiết canh, nem chua; thực hiện ăn chín, uống sôi; vệ sinh cá nhân, bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh… Củng cố tổ phòng chống dịch có 5 người, bao gồm lãnh đạo trung tâm và các cán bộ có kinh nghiệm phòng chống dịch. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.

Ông Bùi Ngọc Lân - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: Hai khó khăn nảy sinh trong phòng chống dịch bệnh TCC là: nguồn lây chưa xác định được và hệ thống y tế cơ sở phải qua quá nhiều đầu mối nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giám sát dịch.

3 bệnh viện tuyến tỉnh (BVĐK tỉnh, BVĐK Khu vực Bồng Sơn và BVĐK Khu vực Phú Phong) bố trí sẵn sàng khu vực cách ly và phương án tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân theo quy trình đối với dịch bệnh tối nguy hiểm. Môi trường nuôi cấy vi khuẩn, phương tiện, nhân lực để tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu cũng được các bệnh viện lên kế hoạch, đảm bảo đường dây điện thoại nóng hoạt động 24/24 giờ.

Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Trong thời điểm này, khâu giám sát dịch, chú trọng phát hiện kịp thời ca bệnh đầu tiên được ngành Y tế quan tâm, chú trọng. Riêng hoạt động thanh, kiểm tra VSATTP trong thời điểm này sẽ chú trọng vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao là các quán ăn”.

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, hiện nay dịch TCC vẫn tiếp tục lây lan nhanh do tình trạng người lành mang bệnh di chuyển qua nhiều địa phương. Việc giám sát và phòng chống dịch ở các nhà ga và bến xe liên tỉnh ở TP Quy Nhơn, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) rất cần thiết.

Tại ga Diêu Trì, bình quân mỗi ngày trung chuyển hàng trăm lượt hành khách. Do đó, trong thời gian qua, nhà ga đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bà Phùng Thị Nhung, cán bộ y tế nhà ga, cho biết: “Hiện nay, thuốc men, hóa chất phòng chống dịch đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi cũng đã phối hợp với ngành Y tế địa phương thực hiện các cam kết phòng chống dịch bệnh cho hành khách đi tàu”.

  • Hiền Lê
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ góc độ người sử dụng máy tính  (17/04/2008)
Khởi động ngành công nghiệp mới  (16/04/2008)
Điều chế thành công huyết thanh chẩn đoán chủng tả 0139  (16/04/2008)
Quá nhiều vitamin D cũng nguy hiểm   (14/04/2008)
Để mái tóc đen óng   (14/04/2008)
Gel làm sợi thần kinh tủy sống bị thương tổn mọc lại  (13/04/2008)
Chồng xấu - vợ đẹp: Hôn nhân sẽ bền vững  (13/04/2008)
Nghiệm thu đề tài đánh giá kết quả cắt túi mật qua nội soi ổ bụng  (12/04/2008)
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ em  (11/04/2008)
IBM giới thiệu bộ nhớ từ mới thế hệ 3D  (11/04/2008)
Có thể nhiễm tả từ tiền  (11/04/2008)
10 công nghệ sẽ làm biến đổi cuộc đời bạn  (11/04/2008)
Ăn táo giảm nguy cơ đau tim và đái đường  (10/04/2008)
Thường xuyên hiến máu sẽ giúp giảm nguy cơ bị ung thư  (10/04/2008)
Gắp đỉa dài 6 cm ra khỏi khí quản bệnh nhân  (10/04/2008)