Vừa qua, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh đã nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng, thu hoạch bảo quản và dược tính của loài sa nhân tím tại Bình Định”. Kết quả của đề tài đã mở ra khả năng trồng loại cây này ở tỉnh ta.
|
Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tự nhiên tại làng K4, xã Vĩnh Sơn đã phát triển tốt. Ảnh: Hoàng Lân
|
Đề tài do Trung tâm giống cây trồng phối hợp cùng Sở Y tế Bình Định thực hiện từ tháng 4.2004. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Đạo- Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệm, Dược sĩ Phạm Thị Thanh Hương- Phó Giám đốc Sở Nội vụ là đồng chủ nhiệm đề tài.
Cây sa nhân tím (Amomum longiligulare T.L.WU) được cơ quan chủ trì đề tài trồng thử nghiệm dưới tán rừng tự nhiên (tại xã Vĩnh Hảo - huyện Vĩnh Thạnh) và dưới tán rừng trồng (xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh). Qua thời gian theo dõi và chăm sóc theo những chế độ hợp lý, cây đã cho quả và thu hoạch 1 năm 2 vụ.
Sau 4 năm nghiên cứu và theo dõi quá trình sinh trưởng, thích nghi và phát triển của loài sa nhân tím, đề tài đã đi đến kết luận: Cây sa nhân tím mọc tự nhiên, có mặt hầu hết ở các vùng rừng núi tỉnh Bình Định; tập trung với mật độ lớn tại các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Ân, An Lão và Phù Cát; chất lượng sa nhân tự nhiên ở Bình Định có hàm lượng tinh dầu cao, dao động từ 2,95 - 4,26%. Vì vậy, đề tài đã xác định được vùng phân bố cây sa nhân trong tỉnh, gieo ươm, trồng thử nghiệm thành công cây sa nhân dưới 2 loại rừng tự nhiên và rừng trồng; nghiên cứu được quy trình thu hoạch và bảo quản hạt sa nhân tím…
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Đạo cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, ở tỉnh ta người dân chỉ thu hái quả sa nhân từ rừng tự nhiên; công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây sa nhân chưa được quan tâm đúng mức. Tỉnh ta có diện tích rừng và đất rừng lớn nên tiềm năng để phát triển trồng cây sa nhân rất lớn. Bên cạnh đó, cây sa nhân chỉ tận dụng trồng xen dưới tán rừng, nên không tranh chấp đất với các loại cây khác. Vì vậy, trồng sa nhân tím dưới tán rừng trồng keo tai tượng thu được hiệu quả kinh tế cao, và còn tạo điều kiện cho rừng trồng phát triển. Vì vậy, cần khuyến khích người dân trồng sa nhân dưới tán rừng trồng keo nhằm tăng thêm thu nhập”.
Sa nhân nói chung là cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ, có giá trị kinh tế trong nhiều lĩnh vực như y dược, mỹ phẩm, hương liệu, gia vị, có giá trị xuất khẩu cao; được trồng phổ biến tại các nước châu Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây sa nhân phân bố tự nhiên từ An Giang đến Cao Bằng và phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở Bình Định, chưa có công trình nghiên cứu một cách đầy đủ từ quá trình phân bố đến khâu gieo tạo, trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây sa nhân tím. Vì vậy, cây sa nhân tím có nguy cơ bị thu hẹp do việc khai thác quá mức và rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương- Nghiên cứu viên chính của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên Hải nam Trung bộ, thành viên Hội đồng nghiệm thu, nhận xét: “Đề tài này đã điều tra được sự phân bố, sản lượng, chất lượng sa nhân tự nhiên ở tỉnh, trồng thử nghiệm thành công, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quy trình thu hoạch, phơi sấy, bảo quản sa nhân tím. Kết quả nghiên cứu có khả năng nhân rộng và sản xuất với quy mô lớn ở những vùng có điều kiện tương tự, nhất là các huyện trung du, miền núi trong tỉnh. Đây là cơ sở khoa học khẳng định triển vọng phát triển cây sa nhân tím ở tỉnh ta”.
|