Lấy chồng thương binh
23:36', 2/5/ 2008 (GMT+7)

Chuyện tình của một cô y tá ở Bệnh viện huyện An Nhơn với anh thương binh bị cụt hai tay, mù hai mắt, 26 năm về trước đã làm cho không ít người ái ngại. Thế nhưng, qua thời gian và qua khó khăn, họ đã minh chứng được rằng: hạnh phúc sẽ đến khi người ta biết nỗ lực yêu thương và vun đắp cho nhau. 

* Biết khổ nhưng vẫn thương

Bà Nguyễn Thị Tẩn, người nữ y tá trẻ trung, xinh xắn hồi ấy, bây giờ đã bước vào tuổi “lục tuần” và sắp sửa có cháu ngoại. Thế nhưng, hễ ai hỏi về chuyện tình của bà với ông Hồng Nhỏ, người thương binh hạng 1/4 mù hai mắt, cụt hai tay ngày ấy- bà vẫn tỏ ra thẹn thùng y như hồi bà mới gặp… ông.

 

Mặc dù mù lòa, cụt tay nhưng ông Nhỏ vẫn giúp được vợ nhiều việc nội trợ trong gia đình. Ảnh: H.Y

 

Ông Hồng Nhỏ (64 tuổi), quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, trước đây là du kích xã.  Trong một lần đi tháo gỡ mìn của địch để dẫn bộ đội về, ông đã bị thương nặng. Sau giải phóng, ông được Nhà nước đưa về nuôi dưỡng tại Khu điều dưỡng thương binh nặng ở Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn). Bà Tẩn kể: “Ngày ấy, tôi thường lên Khu điều dưỡng thương binh thăm người thân. Hình ảnh người thương binh bị cụt cả hai tay, mù mắt nhưng biết tự mình giặt và phơi quần áo làm tôi rất cảm động. Sau nhiều lần vào thăm, chúng tôi “bén duyên” với nhau và khoảng 1 năm sau thì lễ cưới được tổ chức”.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng với một người con gái ra đường không ít người nhìn theo như bà ngày ấy, quyết định lấy một người chồng tàn tật không hề đơn giản chút nào. Bạn bè, người thân của bà đều ngăn cản, cấm đoán. Người anh trai duy nhất của bà đòi “từ” em vì không chịu nghe lời khuyên của người lớn, đã tự chuốc lấy cái khổ. Thế nhưng, lòng bà đã quyết “biết là khổ nhưng tui lỡ thương anh ấy rồi. Hơn nữa, anh ấy hiền lành, không uống rượu, không hút thuốc, lại thương yêu tui hết lòng”- bà Tẩn tâm sự.

Sau lễ cưới, ông bà được Khu điều dưỡng thương binh nặng Kim Châu cấp cho một căn phòng nhỏ tại trung tâm. Hàng ngày, bà vẫn đến bệnh viện làm việc, còn ông ở nhà lo việc cơm nước, giặt giũ… Cưới nhau chưa được 4 tháng, thì bà bị bệnh phải xuống điều trị ở BVĐK tỉnh. Đến bây giờ, bà vẫn còn nhớ như in khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của ông khi phải vượt qua một chặng đường dài, từ thị trấn Bình Định xuống BVĐK tỉnh để thăm bà với giỏ bánh trái trên tay. “Thời bấy giờ, phương tiện đi lại rất khó khăn, người sáng mắt di chuyển còn khó, huống hồ gì là ảnh. Ảnh luôn có mặt động viên, chăm chút cho tui từng miếng ăn, giấc ngủ làm tui rất cảm động”- bà Tẩn kể.

Rồi họ có con, một cháu gái rất xinh xắn. Ông Hồng Nhỏ lại dồn tình cảm hết mực yêu thương cho con… 

* Hạnh phúc khi được yêu thương

Năm 1989, vợ chồng ông Hồng Nhỏ xin đất và cất một ngôi nhà riêng (ở 29/8 Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) với quyết tâm tạo dựng mái ấm riêng của mình. Trong khó khăn, họ lại cùng nhau chia sẻ những vất vả, lo toan của cuộc sống. Bà Tẩn tâm sự: “Chỉ trừ có mỗi việc chẻ củi, còn mọi việc trong gia đình anh ấy đều đảm nhận hết để tui an tâm lo công tác ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn”.

Và niềm vui đã được nhân lên khi người anh trai- người thân duy nhất của bà Tẩn - đã nhìn nhận lại hạnh phúc bình dị của em gái, đặc biệt là nghị lực vươn lên và tấm lòng thương yêu vợ con hết mực của người em rể nên đã mở rộng vòng tay, giúp đỡ, chăm lo cho gia đình người em ruột thịt...

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để giữ gìn hạnh phúc, bà Tẩn đã thuộc nằm lòng câu nói dân gian “một sự nhịn, chín sự lành”, “cơm sôi nhỏ lửa, biết đời nào khê”. Vào những lúc trái gió, trở trời, vết thương cũ tái phát, hành hạ cơ thể, ông Nhỏ thường hay cáu gắt, khó tính. Bà Tẩn đã âm thầm nhẫn nhịn, chăm sóc cho ông vượt qua cơn bạo bệnh. Đứa con gái duy nhất của họ là Hồng Thị Phước đã trưởng thành trong tình yêu thương của mẹ, của cha nay đã lập gia đình. Bà Tẩn khoe với chúng tôi, Phước vừa được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và đang công tác tại UBND huyện An Nhơn. Họ cũng sắp có cháu ngoại để bồng bế và rất vui vì điều đó. 

Giờ đây, bệnh tật và những vết thương chiến tranh đã làm cho đôi tai của ông Hồng Nhỏ không còn nghe được nữa. Nhưng nụ cười vẫn luôn rạng ngời trên gương mặt ông. Còn bà Tẩn thì cho rằng, từ ngày chọn và yêu thương ông Nhỏ, bà đã luôn rất hạnh phúc vì có được người chồng đã yêu thương vợ, con hết mực mà nếu như trước đây, chọn một người chồng lành lặn, chưa chắc bà đã được vui vẻ và hạnh phúc bằng.                        

  • Hoa – Yến

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phẫu thuật thành công khối u 7kg trên mặt bé gái   (02/05/2008)
Môtô không gây ô nhiễm môi trường   (02/05/2008)
“Da” bọc vỏ ngoài giúp máy bay và tàu thủy giảm đáng kể lực cản ma sát   (02/05/2008)
Nam châm tí hon chữa trị ung thư   (02/05/2008)
Hội SAP/VN giúp trẻ em khuyết tật Bình Định   (02/05/2008)
Khai trương trường học trực tuyến  (01/05/2008)
Bệnh hen có xu hướng gia tăng !  (01/05/2008)
Trắc nghiệm con bạn có phải là thần đồng  (30/04/2008)
Mũ “bỏ túi” không phải là mũ bảo hiểm  (30/04/2008)
Đã có quy trình trồng hoa phong lan thương phẩm  (30/04/2008)
Đánh tan Stress  (29/04/2008)
Cà chua giúp chống rám nắng và nhăn da  (29/04/2008)
Máy chế tạo sợi tơ nhện nhân tạo-công nghệ chế tạo vật liệu siêu bền, siêu nhẹ và siêu chịu lực  (29/04/2008)
Thương mại điện tử Việt Nam trên đà phát triển  (29/04/2008)
Chuyện gì xảy ra sau kế hoạch giảm cân?  (27/04/2008)