Lo ngại bùng phát virus EV71 ở Việt Nam
10:18', 6/5/ 2008 (GMT+7)

Tại Trung Quốc đã có hơn 20 trẻ tử vong bước đầu được xác định ‘’thủ phạm’’ là do virus Enterovirus 71, viết tắt là EV71. Tại Việt Nam, liên quan đến virus này, ngày 5.5, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, EV71 đã gây bệnh chân tay miệng ở Việt Nam. "Đây là một trong những loại virus gây bệnh chân tay miệng ở TP.HCM" - TS Nga nói.

 

Với những trẻ bị tay chân miệng có biến chứng nặng, thông thường các bóng nước rất ít xuất hiện. Đó là một điều nguy hiểm vì cha mẹ khó nhận biết dấu hiệu bệnh. 

 

EV71 gây bệnh chân tay miệng tại VN

Ngày 5.5, bé Đinh N. H. G., 25 tháng tuổi, nằm trong phòng cấp cứu của khoa Nhiễm vì những biểu hiện nặng hơn của bệnh tay chân miệng. Mặc dù đã được uống thuốc giảm sốt, bé vẫn sốt cao đến 39,5oC, ho nhiều. Các bác sĩ tìm mãi mới phát hiện một vài bóng nước dưới lòng bàn chân bé.

4 tháng đầu năm 2008, bệnh tay chân miệng ở TP.HCM nói chung và Nhi Đồng II nói riêng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007. Thống kê của bệnh viện, cho đến ngày 20/4, 766 trẻ tay chân miệng đã nhập viện điều trị, với 4 ca tử vong.

Hiện nay, mỗi ngày khoa Nhiễm có từ 20 - 30 bệnh nhân điều trị nội trú vì bệnh tay chân miệng. Điều đó có nghĩa 3 - 4 trẻ mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện tại các phòng khám ngoại trú. Những trẻ bị bệnh tay chân miệng nhập viện phần lớn đều nhỏ hơn 3 tuổi.

Theo BS. Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II, bệnh tay chân miệng do virus EV71 có thể dẫn tới biến chứng thần kinh và tim mạch ở trẻ, ngoài những biểu hiện sốt nhẹ, từ 37,5- 38 độ C, kèm nôn trớ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Lòng bàn tay và bàn chân, miệng trẻ nổi nhiều ban đỏ hoặc mụn nước, vết loét. Tuy nhiên, với nhiều trẻ có biến chứng nặng, các bóng nước lại rất ít xuất hiện. Những ca này đặc biệt nguy hiểm vì cha mẹ khó nhận biết dấu hiệu bệnh.

Tại miền Bắc cũng đã xuất hiện những ca chân tay miệng nhưng chưa có ca tử vong nào. Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện một số cháu bé có biểu hiện của hội chứng chân tay miệng. Các ca bệnh đều nhẹ, chưa gặp trường hợp nào có biến chứng não hoặc tử vong như ở các tỉnh phía Nam (những ca nặng này thường do virus Entero 71 gây ra).

 

Phát hiện bệnh sớm cho trẻ em.

 

Trẻ không miễn dịch sau khi mắc bệnh tay chân miệng

Mùa hè năm nay được dự báo là nắng nóng kỷ lục, kà điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có EV71 gây bệnh chân tay miệng. Vào thời điểm đang vào hè như hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân có biểu hiện của bệnh chân tay miệng.

Khoảng 10-20 bệnh nhi/ngày nhập viện có biểu hiện sốt nhẹ, ban đỏ, nốt đỏ xuất hiện trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, sau vài ngày có nhân đục bên trong rồi loét ra. Hiện các bác sĩ ở đây vẫn chưa rõ là do virus nào gây bệnh.

Mặc dù ảnh hưởng của bệnh chân tay miệng là rất nghiêm trọng đối với trẻ, nhưng theo BS Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thì không phải tất cả số trẻ bị bệnh chân tay miệng đều có nguy cơ chuyển sang viêm màng não, viêm não. Chỉ những trẻ mắc thể viêm não và màng não mới có nguy cơ cao dẫn đến tử vong, tuy nhiên, hai thể nguy hiểm này chỉ chiếm dưới 5% số trẻ mắc bệnh.

Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt, quấy khóc, đi ngoài phân nát, chán ăn nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị đúng cách. Với những trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ chỉ cần hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà cho phụ huynh. BS Hà cảnh báo, virus EV71 tồn tại trong phân của người mắc bệnh và tốc độ lây lan rất nhanh, nếu các nhà trẻ nào đã có trẻ bị bệnh chân tay miệng thì các bậc phụ huynh cần cẩn thận, nên cho trẻ ở nhà để tránh lây lan.

Về loại bệnh này, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Hiện trên thế giới chưa sản xuất được vaccine phòng bệnh chân tay miệng".

Còn theo BS. Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II (TP.HCM): "Trẻ không được miễn dịch dù đã từng mắc bệnh tay chân miệng. Trong khi chưa có vaccine hữu hiệu để phòng ngừa bệnh, các bậc cha mẹ cần phải vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nâng cao thể lực cho trẻ. Ngoài thịt cá, trứng, sữa để bổ sung nguồn đạm, trẻ cần được tăng cường rau xanh, trái cây tươi".

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm trắng răng từ dâu tây!  (05/05/2008)
Cho trẻ nghỉ học khi bệnh chân - tay - miệng  (05/05/2008)
Rô bốt chăm sóc người cao tuổi  (05/05/2008)
Xác định nguy cơ loãng xương từ gien  (05/05/2008)
Trung Quốc báo động trước sự lây lan của virus đường ruột  (04/05/2008)
Lấy chồng thương binh   (02/05/2008)
Phẫu thuật thành công khối u 7kg trên mặt bé gái   (02/05/2008)
Môtô không gây ô nhiễm môi trường   (02/05/2008)
“Da” bọc vỏ ngoài giúp máy bay và tàu thủy giảm đáng kể lực cản ma sát   (02/05/2008)
Nam châm tí hon chữa trị ung thư   (02/05/2008)
Hội SAP/VN giúp trẻ em khuyết tật Bình Định   (02/05/2008)
Khai trương trường học trực tuyến  (01/05/2008)
Bệnh hen có xu hướng gia tăng !  (01/05/2008)
Trắc nghiệm con bạn có phải là thần đồng  (30/04/2008)
Mũ “bỏ túi” không phải là mũ bảo hiểm  (30/04/2008)