Phong lan (PL) là một loại hoa có giá trị kinh tế cao, được trồng với số lượng lớn ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ở tỉnh ta hiện nay cũng đã có mô hình trồng PL theo hướng chuyên nghiệp.
|
Nhân viên của trung tâm đang chăm sóc PL trong vườn thực nghiệm. Ảnh: M.H
|
Vừa qua, Hội đồng khoa học và công nghệ (KH-CN) của tỉnh đã nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất hoa PL công nghệ cao để xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình”. Đề tài do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Bình Định (Sở KH-CN) chủ trì thực hiện.
Sau gần 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được mô hình sản xuất hoa PL với 2 loại hoàng lan (Dendrobium) và hồ điệp (Phalaenopsis) theo quy mô hộ gia đình phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất PL bằng công nghệ cao với diện tích 600m2 chia làm 2 vườn khác nhau ở trạm thực nghiệm KH-CN của trung tâm tại xã Phước An (Tuy Phước). Trung tâm đã nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm thành công khoảng 20 dòng hoa thuộc 2 loại hoàng lan và hồ điệp. Đây là các giống PL tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu của Bình Định và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi dòng lan khác nhau đều được bố trí các thí nghiệm để theo dõi từng quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa. PL sau khi đã ra khỏi môi trường nuôi cấy mô, được ươm trồng thí nghiệm để xác định độ thích ứng với khí hậu, phân bón, quy trình chăm sóc. Sau thời gian theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của mô hình nêu trên, chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã khẳng định tính phù hợp và hiệu quả kinh tế đối với việc triển khai mô hình. Vấn đề phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho các giống hoa này cũng được các tác giả nghiên cứu và đưa vào quy trình một cách chi tiết. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã đào tạo được một số cán bộ kỹ thuật có khả năng làm chủ các quy trình công nghệ và có thể chuyển giao kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thạc sĩ Lê Thị Kim Đào - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, chủ nhiệm đề tài - cho biết: “Hiện nay ở Bình Định, chưa có mô hình trồng PL theo hướng chuyên nghiệp hóa kiểu nhà vườn, đa số đều trồng theo kiểu nghiệp dư, quy mô nhỏ. Một phần vì thị trường tiêu thụ còn hẹp, đồng thời cũng chưa có những quy trình cụ thể cho việc sản xuất PL. Vì vậy, tất cả các dòng lan được lựa chọn nghiên cứu, sản xuất đều tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh ta. Thông qua việc xây dựng quy trình sản xuất 2 giống PL nói trên, chúng tôi đã lựa chọn các giá thể phù hợp, vừa sẵn có ở Bình Định, vừa rẻ, như cám dừa, than củi, vỏ dừa… Theo tính toán của chúng tôi, trong cùng điều kiện canh tác, trồng PL có thể có thu nhập cao hơn từ 5-7 lần so với lúa và các loại hoa màu khác”.
Ở Bình Định, nghề trồng PL hình thành từ hơn 10 năm nay. Bên cạnh các giống lan rừng, đã có nhiều giống lan lai tạo nhập ngoại được đưa về trồng và bước đầu có kết quả tốt. Tuy nhiên, về chủng loại và màu sắc hoa chưa nhiều, chưa phát triển thành quy mô sản xuất hàng hóa và số lượng sản phẩm rất ít, không đủ cung cấp ở địa phương. Vài năm trở lại đây, nhu cầu chơi PL ngày càng tăng, nhiều hộ gia đình đã phát triển nghề lan sinh cảnh và kinh doanh.
Trên cơ sở mô hình này, đơn vị chủ trì đề tài sẽ chủ động triển khai công tác nhân giống để cung cấp cho người trồng hoa và phát triển các giống hoa lan khác nhằm đa dạng hóa các sản phẩm giống cây trồng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Đồng thời, trung tâm sẽ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ gia đình nhằm phát triển nghề trồng PL ở tỉnh Bình Định, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và trong nước.
|